Biden ‘tiến thoái lưỡng nan’ về viện trợ Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Quân đội Ukraine bày tỏ lập trường thách thức khi từ chối đầu hàng Nga ở thành phố cảng Mariupol, trong lúc Tổng thống Joe Biden và các đồng minh của ông phải đối mặt với một ngưỡng mới trong việc quyết định xem Mỹ sẽ đi bao xa trong việc trang bị vũ khí cho Kiev.

Nhất là khi Moscow đưa chỉ dấu rằng họ có thể có hành động hung hăng hơn để ngăn chặn dòng vũ khí từ Mỹ và NATO chuyển đến Ukraine.

Đang có những lo lắng mới về việc Ukraine có thể cạn kiệt đạn dược nhanh chóng khi giao tranh khốc liệt gia tăng ở Donbas, nơi Nga đang cố gắng bao vây và đẩy các lực lượng Ukraine khỏi khu vực đó.

Các quan chức ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine đã thông báo rằng ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 11 người bị thương trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga hôm 18/4.

Khi cố gắng tăng áp lực lên các đồng minh để có viện trợ nhiều hơn trong giai đoạn tiếp theo này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lập luận rằng phương Tây phải coi cuộc chiến đó là điểm mấu chốt quan trọng trong việc kiềm chế tham vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như thể hiện phương Tây cam kết bảo vệ nền dân chủ chống lại một thế lực chuyên quyền.

“Chúng tôi cần nhiều hơn nữa”

Zelensky cảnh báo rằng trận chiến phía trước ở Donbas “có thể ảnh hưởng đến tiến trình của toàn bộ cuộc chiến” và cho biết đất nước ông không có ý định từ bỏ lãnh thổ ở miền Đông Ukraine để kết thúc chiến tranh.

Ông cảnh báo, nếu Nga có thể chiếm được vùng Donbas, ông Putin hoàn toàn có thể tiếp tục nỗ lực giành quyền kiểm soát Kiev. Khi CNN đề nghị phản hồi trước thông báo của Mỹ vào tuần trước về khoản viện trợ quân sự 800 triệu USD để trợ giúp lực lượng của Ukraine ở Donbas, Zelensky trả lời: “Tất nhiên chúng tôi cần nhiều hơn nữa.”

“Sẽ không bao giờ là đủ. Không thể đủ”, Zelensky nói, khi ông giải thích những thách thức ở chiến sự phía Đông Ukraine. “Có một cuộc chiến toàn diện đang diễn ra ngày nay, vì vậy chúng tôi vẫn cần nhiều hơn những gì chúng tôi có ngày hôm nay. Chúng tôi không có lợi thế về công nghệ chiến tranh so với kẻ thù.”

Tuy nhiên, ngay cả khi lô vũ khí viện trợ mới nhất đó đã bắt đầu đến khu vực, CNN đưa tin rằng ngày càng có nhiều lo ngại về việc Ukraine có thể cạn kiệt kho đạn trong trận chiến tiếp theo này nhanh như thế nào.

Mặc dù Mỹ thông báo rằng họ sẽ gửi 18 khẩu pháo lựu 155mm và 40.000 viên đạn pháo như một phần trong gói mới nhất, một quan chức Mỹ cảnh báo rằng lô vũ khí này có thể được sử dụng hết trong vòng vài ngày khi giao tranh khốc liệt gia tăng ở Donbas.

Trước những áp lực đó, các quan chức Mỹ phải rõ ràng hơn trong việc xác định mục tiêu và liệu Mỹ có cam kết làm những gì cần thiết để giúp Ukraine giành chiến thắng hay không. Tướng về hưu Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết: “Mặc dù đợt viện trợ mới nhất của Hoa Kỳ là đáng kể, nhưng không đủ.

“Những gì quân đội Ukraine vô cùng cần là hỏa lực tầm xa, tên lửa, pháo, máy bay không người lái có thể làm gián đoạn hoặc phá hủy các vũ khí của Nga đang gây ra rất nhiều thiệt hại ở các thành phố Ukraine.”

“Nếu quân Ukraine không đạt được những điều này trong vài tuần tới, họ sẽ không còn cơ hội đẩy lùi quân Nga.”