Biden áp ‘bình cũ’ của Trump với Trung Quốc

Chiến lược của Biden trong 100 ngày nắm quyền không khác nhiều so với Trump, người đã dựng lên nhiều rào cản kinh tế và mô tả Bắc Kinh như một mối đe dọa.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận định Biden sẽ thu hẹp phạm vi của những hạn chế với Trung Quốc trong 100 ngày tới và hơn thế nữa, để tránh đoạn tuyệt với Bắc Kinh.

Nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ vượt mốc 100 ngày vào ngày 30/4, cột mốc mang tính biểu tượng mà các chính quyền thường được đánh giá cả về mức độ thực hiện các lời hứa trong chiến dịch và những gì nó báo hiệu về 45 tháng tại vị còn lại.

Trong ba tháng qua, chính quyền Biden đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và làm xói mòn các quyền tự do ở Hong Kong. Họ cũng đưa ra các chỉ dẫn mới để tăng cường tương tác với các quan chức Đài Loan và tiến hành tập trận hải quân ở Biển Đông.

Theo David Dollar, cựu đặc phái viên Bộ Tài chính Mỹ, kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với Trung Quốc có ba đường lối chính, gồm đối đầu, cạnh tranh và hợp tác. Nhưng 100 ngày đầu tiên của chính quyền Biden chỉ nghiêng về đối đầu và cạnh tranh.

“Có rất ít bằng chứng về hợp tác, một ngoại lệ là ông Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Biden chủ trì”, Dollar viết trong một phân tích của Viện Brookings được đăng trong tuần này.

Phát biểu với các phóng viên vào đầu tuần để thảo luận về các ưu tiên an ninh quốc gia của Biden, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết chính phủ sẽ “không né tránh các chủ đề khó và giải quyết chúng trực tiếp với Trung Quốc”.

Nhưng bất chấp việc Biden sẵn sàng duy trì hoặc thậm chí leo thang căng thẳng với Bắc Kinh trên một số lĩnh vực, một số nghị sĩ Cộng hòa vẫn mô tả ông là quá thân thiện với Bắc Kinh.

“Ông ấy là một thảm họa về chính sách đối ngoại”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Nam Carolina Lindsey Graham nói. “Nga và Trung Quốc đang coi thường ông ấy, vì vậy tôi rất lo lắng”, ông nói với Fox News vào cuối tuần qua.

Các quan chức diều hâu của đảng Cộng hòa bao gồm thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott đã tìm cách mô tả một số động thái của chính quyền là cách tiếp cận yếu ớt với Bắc Kinh, bao gồm việc Washington tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và yêu cầu ngân sách quân sự của Biden.

Scott cáo buộc Biden “chi tiêu quốc phòng yếu kém” và cho rằng ông tìm cách “xoa dịu Trung Quốc”. Đảng Cộng hòa cũng nhắm vào quyết định của Biden là cử đặc phái viên về vấn đề khí hậu John Kerry đến Thượng Hải trong tháng này để gặp người đồng cấp Trung Quốc. Họ bày tỏ lo ngại Bắc Kinh sẽ đòi Mỹ nhượng bộ để đổi lại các cam kết về khí hậu.

Môi trường chính trị bị chia rẽ sâu sắc này sẽ dẫn đến thêm bất hòa giữa các nhà lập pháp cứng rắn của đảng Cộng hòa như Scott, người muốn đối đầu với Bắc Kinh, và các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ ôn hòa đang thúc đẩy một chiến lược rõ ràng hơn, vạch ra lĩnh vực nào Washington nên tiếp tục gây áp lực và lĩnh vực nào cần hợp tác.

Nhóm này đang nỗ lực thúc đẩy dự luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021, được đưa ra bởi hai lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez và Jim Risch để giải quyết cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, cũng như các vấn đề như Hong Kong và Tân Cương.

Dẫn chứng cam kết tăng cường tương tác của chính quyền Biden với Đài Loan, cuộc họp song phương Mỹ – Trung đầu tiên ở Alaska và quyết định giữ nguyên mức thuế được áp dụng trong chiến tranh thương mại, Dollar coi cách tiếp cận của Biden là tiếp nối người tiền nhiệm và điều đó ngăn cản nỗ lực làm việc chặt chẽ hơn với các đồng minh.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden hôm 27/4 mong muốn Biden tập trung hơn vào chủ nghĩa đa phương để thể hiện sự khác biệt so với chính quyền Trump. Họ mô tả chính sách của Trump là “xa lánh các đồng minh và có khi còn đẩy họ đến gần một số đối thủ của chúng ta”.

Quan chức này nhắc đến thỏa thuận đầu tư mà Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã thống nhất trong giai đoạn cuối của chính quyền Trump, “sau 4 năm họ để các liên minh của chúng ta xích mích”.

Giới lãnh đạo EU dường như đang muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Washington dưới thời Biden, các lãnh đạo của khối gần đây cảnh báo các thành viên rằng EU và Bắc Kinh có “sự khác biệt cơ bản” về các vấn đề bao gồm hệ thống kinh tế, nhân quyền và quan hệ với các nước thứ ba.

Trong một bức thư nội bộ mà Politico thu được, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và người đứng đầu chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết những khác biệt đó “không nên bị lấp liếm” và cho rằng khối nên “chấp nhận cánh tay đang chìa ra của chính quyền Biden, cùng nhau khẳng định lập trường và lợi ích của chúng ta trên trường thế giới”.

Sourabh Gupta, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung – Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết trong khi Biden tìm cách mở rộng hợp tác với các đồng minh, việc ông quyết định giữ nguyên nhiều chính sách của chính quyền Trump là khôn ngoan vì đây sẽ là cách duy nhất để thúc đẩy Bắc Kinh tiếp tục cải cách.

Tuy nhiên, thời điểm đã chín muồi để Biden bắt đầu loại bỏ các mức thuế trừng phạt, vốn “gây thiệt hại cho cả hai bên”, Gupta nói. Ông cho rằng chính quyền cũng nên kiềm chế áp các lệnh hạn chế thương mại đơn phương đối với Trung Quốc để tránh cho Bắc Kinh cái cớ đưa ra các hạn chế đối với công ty Mỹ.

Chính quyền Trump “yêu cầu Trung Quốc chơi trên một sân chơi bình đẳng và bây giờ Mỹ đang làm lệch sân chơi đó bằng cách cố gắng cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ cốt lõi nhất định, đó là lý do tại sao điều quan trọng là họ cần vạch ra ‘lằn ranh đỏ’ hợp lý”, Gupta giải thích.

Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 12/2020 công bố danh sách hàng chục công ty Trung Quốc, gồm nhiều công ty trong lĩnh vực hàng không, sẽ bị chặn mua công nghệ của Mỹ. Nằm trong danh sách là Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), nhà thầu hàng không vũ trụ quân sự nhà nước, là nhà cung cấp chính cho một máy bay thương mại mà Bắc Kinh đang cố gắng đưa ra thị trường và 45 chiếc của Nga.

Chính quyền Biden đang thực hiện một số đánh giá về giao dịch trực tiếp và gián tiếp với Trung Quốc, kết quả của những đánh giá này sẽ định hướng chiến lược của lãnh đạo Mỹ về thương mại và công nghệ với nước này. Hồi tháng hai, Biden bắt đầu quy trình đánh giá kéo dài 100 ngày chuỗi cung ứng chất bán dẫn và pin tiên tiến được sử dụng trong xe điện. Sau đó họ sẽ đánh giá dài hạn và rộng hơn đối với 6 lĩnh vực của nền kinh tế.

Weifeng Zhong, thành viên tại Trung tâm Mercatus, cho rằng chính quyền nên gỡ thuế và một số giới hạn áp dụng trên diện rộng đối với Trung Quốc, trong khi vẫn áp dụng các hạn chế đối với việc kinh doanh chất bán dẫn tiên tiến.

Biden đang “cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa đối đầu và hợp tác, vì vậy tôi nghĩ rằng Mỹ đang ở thời điểm quan trọng trong việc thực sự tìm ra đúng điểm ở giữa hai thái cực”, Zhong nói.

Chính quyền Biden đang cân nhắc chính sách với Trung Quốc trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề. Theo một cuộc thăm dò của Washington Post với hơn 1.000 người trưởng thành, mức tín nhiệm của Biden ở mốc 100 ngày là khoảng 52%. Mặc dù cao hơn đáng kể so mức 42% của Trump trước đây, con số này thấp hơn bất kỳ tổng thống nào khác kể từ thời Gerald Ford năm 1974 (48%).

Tuy nhiên, sự đồng thuận của công chúng về Trung Quốc được thể hiện rõ hơn rất nhiều, khoảng 89% người trưởng thành ở Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hoặc kẻ thù, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào tháng trước.

“Chúng ta không thể quay lại những gì chúng ta đã làm trong 20 năm qua và nói rằng hãy đừng quan tâm những vấn đề khác mà chỉ tập trung kiếm tiền thôi”, Zhong nói. “Tôi nghĩ rằng công chúng Mỹ sẽ ngày càng có phản ứng tiêu cực nếu các nhà hoạch định chính sách đi theo con đường đó”.

Phương Vũ (Theo SCMP)