Bệnh trầm cảm- sát thủ thầm lặng trong xã hội hiện đại

Theo các chuyên gia, có 50 % trường hợp người bệnh bệnh trầm cảm thường bị tái diễn và hiện bệnh này đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Bệnh gây ra rất nhiều tổn hại cho cá nhân, mất khả năng lao động là nguyên nhân của ⅔ trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Đây là một trạng thái bệnh lý của rối loạn cảm xúc khí sắc đặc trưng bởi các triệu chứng buồn rầu, giảm thích thú, giảm năng lượng cơ thể, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, cảm nhận không xứng đáng, giảm khả năng tập trung, chú ý… Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 5 % dân số trên thế giới bị chứng trầm cảm. Tại Nhật Bản, đây được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn tới tự tử trong 10 năm qua. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai có hơn 40.000 tự tử do trầm cảm, trong đó 20% trường hợp tự tử thành công.

Nhận biết các nguyên nhân khiến trầm cảm gia tăng

Ngày nay, do tốc độ phát triển quá nhanh của cuộc sống hiện đại khiến người ta thường bị áp lực công việc gia tăng, bộ não làm việc quá tải, cảm giác cô độc, quá lệ thuộc vào mạng xã hội, tỷ lệ người bị stress ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng cũng là những nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định rằng một số nguyên nhân khác như: sang chấn tâm lý, mất mát tình cảm, mặc cảm về kinh tế, việc làm hoặc thu nhập không ổn định, con cái hư hỏng, thất bại trong học tập, lo lắng về bệnh tật lâu ngày hoặc bệnh nan y…

Benh tram cam- sat thu tham lang trong xa hoi hien dai
Cũng trong năm 2018 đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain tự treo cổ trong phòng tắm bằng dây đai của áo choàng tắm tại khách sạn ở Pháp cũng do bệnh trầm cảm

Chứng trầm cảm cũng thường xảy ra với những nhóm người đang mắc bệnh tổn  thương não, tai biến mạch máu não, viêm não, thoái hóa não, các bệnh tim mạch: cao huyết áp bệnh van tim, suy tim, các bệnh hệ tiêu hóa: loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, các bệnh nội tiết như đái tháo đường, hoặc lạm dụng một số thuốc chữa bệnh…

Vậy làm thế nào để biết bản thân bị bệnh trầm cảm?

Theo Hội Tâm thần học Hoa Kỳ, người bệnh được chẩn đoán là trầm cảm khi: Có trạng thái trầm uất hoặc mất hứng thú đối với những hoạt động trong đời sống trong ít nhất 2 tuần hoặc có tối thiểu 5 trong 9 triệu chứng sau đây:

– U uất, buồn bã gần như cả ngày

– Giảm hứng thú trong tất cả hoặc đa số hoạt động

– Giảm hoặc tăng cân đáng kể ngoài ý muốn

– Mất ngủ hoặc ngủ nhiều quá mức

– Kích động hoặc chậm chạp mà người khác chú ý thấy được

– Mệt mỏi hoặc mất năng lượng

– Cảm giác mất giá trị và mặc cảm quá mức

– Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, hoặc không quyết định được

– Có ý định và hành vi tự sát

Nếu không sớm được điều trị, các triệu chứng trầm cảm diễn biến tiếp tục trong một thời gian dài dẫn tới người bệnh sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng làm việc trong cuộc sống hàng ngày, lâu ngày sẽ dẫn đến kết cục đau buồn là tự sát.

Làm sao để tự mình thoát khỏi trầm cảm?

Nếu bạn đang phải trải qua quá nữa những trạng thái cảm giác bên trên và không thể nghĩ ra điều gì có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn thì có lẽ bạn đã bị trầm cảm. Bạn muốn vượt qua chứng trầm cảm và tận hưởng cuộc sống, hãy thực hiện 4 cách dưới đây.

Ăn uống lành mạnh: Khi bị trầm cảm, bạn thường có khuynh hướng ăn nhiều chất béo hơn, bởi các thực phẩm có chứa carbohydrate và đường như hamburger, bánh donut, kẹo bánh, nước ngọt có ga có thể làm tăng mức serotonin, một chất hóa học trong não làm tâm trạng tốt hơn, từ đó có thể tránh đi cảm giác buồn chán, thất vọng. Nhưng về lâu dài, chế độ ăn uống vô độ này có thể dẫn đến tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Vì vậy, thay vì ăn những thực phẩm đó, bạn có thể ăn một số thức ăn như rau cải, trái cây giàu chất chống oxy hóa, có khả năng diệt các gốc tự do giúp bảo vệ tế bào não chống lại trầm cảm.

Ngủ đủ giấc: Vì thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ thay đổi hoạt động của não bộ và các chất hoá học thần kinh gây ảnh hưởng đến tâm trạng khiến người bệnh càng thêm suy nghĩ lệch lạc, sợ hãi, bất an… Để khắc phục tình trạng này, bạn nên thay đổi lối sống bằng cách lên giường và thức dậy vào một giờ nhất định, đồng thời bỏ mọi thiết bị điện tử ra khỏi phòng ngủ, gạt hết những chuyện tiêu cực ra khỏi suy nghĩ.

Benh tram cam- sat thu tham lang trong xa hoi hien dai
Tập thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm vào các ngày kể cả ngày nghỉ để khắc phục tình trạng thiếu ngủ

Tự tìm kiếm trải nghiệm mới: Muốn thoát khỏi cảm giác tiêu cực thay trốn tránh, hãy cố gắng tiếp xúc xã hội nhiều hơn, tham gia đội tình nguyện, thử những thú vui mới từ trước giờ mình chưa bao giờ làm như: đạp xe, leo núi, hoặc đăng ký một chuyến trekking để thử độ kiên trì của bản thân. Bởi khi gặp các thử thách mới, não sẽ tiết dopamine, chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến niềm vui và sự tích cực.

Tập thể dục: Các hoạt động thể chất giúp thúc đẩy cơ thể sản xuất endorphin – chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm đau, từ đó bạn sẽ cảm thấy tâm trạng tốt hơn, vui vẻ hơn.

Nếu phát hiện người thân bị trầm cảm bạn cần làm gì?

Việc giúp đỡ những người bệnh trầm cảm có thể khiến họ thoát khỏi lo âu sợ hãi và các hành vi tự hại. Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết cách “kéo” họ ra khỏi vùng tối xúc cảm như thế nào thì dưới đây là 5 gợi ý cho bạn:

Trò chuyện, quan tâm người ấy nhiều hơn: hãy đến với tấm lòng chân thành, một đôi tai sẵn sàng nghe, một nguồn năng lượng tích cực để động viên họ. Bạn cần lắng nghe để thấu hiểu trước khi bắt đầu giải quyết vấn đề của họ.

Chủ động giúp đỡ: Người trầm cảm có thể sẽ không đủ can đảm để trải lòng, vì thế bạn nên là người chủ động thu thập thông tin và đưa ra lời đề nghị thích hợp. Trong những trường hợp nặng bạn có thể sắp xếp những việc như đặt lịch hẹn với bác sĩ và đưa họ đến phòng khám. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị việc tiếp theo nếu người bệnh từ chối.

Kiên nhẫn: Sẽ không có một giải pháp nào có thể phục hồi tâm trạng tiêu cực một cách nhanh chóng nhất, và tâm trạng người bị bệnh trầm cảm cũng có lúc diễn biến tốt, cũng có lúc tâm trạng chuyển biến xấu. Vì vậy, sự mất kiên nhẫn của bạn sẽ khiến người bị trầm cảm cảm tuyệt vọng hơn và quay lại trạng thái cô lập chính mình.

Luôn động viên: Những người bị trầm cảm luôn bị cảm xúc lấn át khi ở một mình nên bạn hãy thường xuyên nhắn tin, gọi điện động viên kể cho họ những câu chuyện vui mà bạn gặp hàng ngày. Hãy cho họ thấy rằng: Bạn sẽ luôn ở đây, có thể trò chuyện bất cứ lúc nào.

Liên hệ với chuyên gia để có lời khuyên tốt nhất: Nếu bạn phát hiện người này không có chuyển biến tích cực hoặc đang định tự tử, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức bằng cách gọi cho chuyên gia hoặc đưa người đó đến phòng cấp cứu gần nhất.

Theo Sức khỏe