Belarus : Tình báo Nga cáo buộc Mỹ « cấp tiền » cho phong trào đòi dân chủ

Nghe đọc bài

Một lãnh đạo tình báo Nga cáo buộc chính quyền Mỹ đứng sau phong trào phản kháng tại Belarus, phản đối kết quả bầu cử tổng thống, bị tố cáo là gian lận, và Washington đã đào tạo nhiều phần tử chống chính quyền trên lãnh thổ các nước láng giềng với Belarus. Bộ Ngoại Giao Litva phản bác cáo buộc nói trên.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lại truyền thông Nhà nước Nga, cho hay, lãnh đạo cơ quan tình báo Nga SVR, ông Serguei Narichkine, hôm qua 16/09/2020, khẳng định Washington hậu thuẫn đối lập Belarus để tổ chức một « cuộc cách mạng màu mới », « một cuộc đảo chính » và điều này « không có lợi gì cho người Belarus ». Theo lãnh đạo tình báo Nga, Hoa Kỳ đã « chuyển khoảng 20 triệu đô la cho các hoạt động biểu tình chống chính quyền, thông qua một số tổ chức phi chính phủ, từ năm 2019 đến 2020 ». Khoản tiền này sau đó có thể đã được cấp cho « một số blogger độc lập », trong đó nhiều người được « cố vấn Mỹ » huấn luyện tại Ba Lan hoặc Ukraina. Lãnh đạo tình báo Nga Serguei Narichkine cũng cáo buộc là « các cuộc biểu tình được điều khiển từ nước ngoài, ngay từ đầu ».

Cũng hôm qua, trong một cuộc họp nội bộ, tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko đưa ra một phát biểu tương tự với lãnh đạo tình báo Nga, khẳng định mục tiêu của những người tổ chức phong trào phản kháng tại quốc gia này là tiến hành « một cuộc cách mạng màu ».

Đáp lại các cáo buộc của lãnh đạo tình  báo Nga, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Litva, bà Rasa Jakilaitiene, trong một cuộc trả lời phỏng vấn AFP, cho biết : « Từ 6 năm, chúng tôi đã thường xuyên nghe được những chuyện bịa đặt tương tự do chính quyền Nga tung ra. Chúng tôi cũng cho rằng tác giả của các tuyên bố như vậy cũng chưa chắc đã tin vào phát biểu của chính họ ».

Về cuộc khủng hoảng tại Belarus, Matxcơva thoạt tiên thận trọng, sau đó tỏ rõ thái độ ủng hộ chính quyền Loukachenko. Tổng thống Nga lên án can thiệp phương Tây, và hứa đưa quân đội can thiệp, nếu biểu tình tại Belarus dẫn đến bạo lực.

Phong trào phản kháng chưa từng có bùng lên tại Belarus đầu tháng 8/2020, sau cuộc bầu cử tổng thống, với kết quả tổng thống Loukachenko, cầm quyền từ 26 năm nay, giành 80% phiếu bầu. Đối lập tố cáo gian lận quy mô lớn. Bầu cử tổng thống Belarus không có sự giám sát của quan sát viên độc lập. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) không cử quan sát viên, lần đầu tiên kể từ năm 2001, do không nhận được giấy mời đúng hạn. Liên Hiệp Châu Âu không công nhận kết quả bỏ phiếu. Hôm thứ Ba, 14/09, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu thông báo Liên Âu đang chuẩn bị các trừng phạt nhắm vào các quan chức Belarus đàn áp dân chúng, trừng phạt dự kiến có thể được ban hành trước hội nghị thượng đỉnh của Liên Âu vào tuần tới.

Liên tục kể từ đó đến nay, Chủ Nhật nào dân chúng Belarus cũng xuống đường đông đảo, với khoảng 100.000 người để đòi chính quyền Minsk tổ chức bầu cử lại, bất chấp đàn áp của cảnh sát. Hàng nghìn người bị bắt, hàng chục người bị thương và ít nhất ba người chết. Đa số lãnh đạo đối lập, hoặc bị bắt, hoặc phải chạy ra nước ngoài do bị truy bức.

Theo RFI