Belarus: Đòn ngầm của Putin nhằm đánh quỵ Loukachenko

Ngày khai giảng năm học mới đầu tiên thời hậu Covid là chủ đề được đa số các tuần báo ra vào cuối tháng 08 năm 2020 này khai thác, với tựa lớn trang bìa trên hai tờ Courrier International và L’Express. Le Point cũng chú ý đến ngành giáo dục, nhưng nhấn mạnh đến nạn tư tưởng Hồi Giáo cực đoan đang bành trướng trong các trường học Pháp. Bên cạnh đó, cũng được quan tâm là vụ đầu độc nhà đối lập Nga Navalny, và nhất là tình hình căng thẳng tại Belarus, đặc biệt trên tuần báo L’Obs với dòng tựa trang bìa: “Đòn ngầm của Putin”.

Theo nhận định của L’Obs, quan hệ giữa tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko và người bảo trợ ông là tổng thống Nga Vladimir Putin quả là ngày càng “cơm không lành, canh không ngọt”. Để trừng phạt đàn em bướng bỉnh, điện Kremlin đã thiết kế cả một “cuộc cách mạng dân chủ” để khuất phục lãnh đạo chuyên chế tại Belarus, và hoàn toàn có thể lật đổ nhân vật này.

Bài viết trang trong mang tựa đề “Chiến lược bí mật của Putin nhằm đánh quỵ Loukachenko” đã nhấn mạnh đến thái độ ngày càng bực bội của “chủ nhân Đại Nga” trước điều bị coi là thái độ rất ngỗ nghich của tổng thống nước “Bạch Nga” bé nhỏ, đã không ngừng tìm cách sử dụng lá bài châu Âu, Mỹ, thậm chí Trung Quốc, để bòn rút tài trợ và tín dụng từ Nga, nhưng khi cần thì lại trở mặt.

Giọt nước làm tràn ly, theo L’Obs, là thái độ vào tháng hai vừa qua của ông Loukachenko, đã khước từ đề nghị của Poutine, muốn hai nước nhập chung thành một “Liên Bang Nga-Belarus”.

Và như thế là điện Kremlin và “các cơ quan hữu trách” đã bắt đầu thiết kế một “chiến dịch Loukachenko” với một số diễn biến đã được thấy trong thời gian gần đây.    

Svetlana Tikhanovskaïa bị Nga thao túng mà không biết?

Theo tạp chí Pháp, nhân vật đối lập Svetlana Tikhanovskaïa, và những thành phần “cách mạng” hiện nay ở Belarus, thực ra đều nằm trong âm mưu của Nga, và cuộc cách mạng ở Belarus hiện nay chỉ có tính chất “bề ngoài”.

L’Obs giải thích: Svetlana Tikhanovskaïa, 37 tuổi, là một bà nội trợ bình thường có hai đứa con. Việc bà trở thành gương mặt “đầu đàn”  của “cuộc cách mạng Belarus” chỉ là một điều rất tình cờ. Dường như bà không có tham vọng gì, cũng không có hiểu biết gì về chính trị và địa chính trị, cũng không có chương trình hành động nào khác ngoài việc đòi Loukachenko phải ra đi.

Trở thành ứng viên đối lập thay chỗ chồng của bà, một “doanh nhân” đã bị chính quyền Loukachenko loại bỏ, bà dường như cũng không biết là chồng mình được một nhân vật quyền thế thân Putin tài trợ. Bị Loukachenko đe dọa bà đã nhanh chóng chạy sang Lítva, tức là sang phương Tây, và có lẽ đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Những bước đi sai lầm?

Có tin là trước lúc chạy trốn, bà đã bị cô lập trong một căn phòng với hai tay đầu gấu của chính quyền và bà đã hoảng sợ ngay. Trong một băng video, bà đã kêu gọi công nhận kết quả bầu cử và chấm dứt biểu tình. Trong những thông điệp gởi đi từ Vilnius, bà công nhận đã “sợ hãi”, nhưng kêu gọi người Belarus vượt qua nỗi sợ của mình và đi biểu tình.

Theo L’Obs, bà Tikhanovskaïa có vẻ như không hiểu gì nhiều về các diễn biến trong quan hệ giữa Minsk và Matxcơva, nên đã phạm thêm nhiều sai lầm. Bà đã gợi lên “một con đường Châu Âu” cho Belarus, chấm dứt liên minh với Nga.

Đối tác “cách mạng” của bà, còn ở lại Minsk để lãnh đạo phong trào đã phải kiên quyết chỉnh lại. Maria Kolesnikova, một phụ nữ mạnh mẽ, phụ trách chiến dịch tranh cử của Viktor Babaryko, ứng viên của Gazprom, bảo đảm là không có chuyện ra khỏi “Liên minh” Nga–Belarus, đúng như ý muốn của Matxcơva.

Tạp chí Pháp kết luận: “Là biểu tượng của một cuộc cách mạng bề ngoài, Svetlana Tikhanovskaïa có nguy cơ sẽ chỉ đóng một vai trò tượng trưng mà thôi”.

Ngày tựu trường trong “hỗn loạn” của thời hậu Covid

Về ngày tựu trường, Courrier International chạy ngay ở trang bìa một hàng tưa lớn: “Ngày tựu trường: Hỗn loạn trên thế giới”. Tờ báo giải thích ngay bên dưới là từ Dallas ở Mỹ cho đến Seoul ở Hàn Quốc, từ Luân Đôn, Anh Quốc cho đến Nairobi, Kenya, ngày các học sinh trở lại trường lớp đang khiến các chính quyền phải nhức đầu, phải tính đến các biện pháp như khẩu trang bắt buộc, bài giảng từ xa, học qua ti vi, giảm số học sinh trong mỗi lớp…

Theo ghi nhận của Courrier International, với dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, việc tổ chức ngày nhập học năm nay quả là một bài toán hóc búa đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Dĩ nhiên là Pháp không thoát khỏi tình trạng lộn xộn. Vài hôm trước ngày tựu trường, phụ huynh học sinh và nhân viên các nhà trường tố cáo chính quyền đã cho nhập học một cách quá vội vã. Trang mạng báo Politico ghi nhận: “Các công đoàn giáo viên cáo buộc chính phủ làm tình hình ‘thêm hỗn loạn’ và làm cho điều kiện làm viêc ‘tồi tệ hơn’. Đối với họ, đề án giảng dậy từ xa của chính phủ còn thiếu sót nhiều mặt…”.

Mẫu số chung: mỗi nơi đều phải “tùy cơ ứng biến”

Trên thế giới, tình hình chung cho thấy rõ sự thiếu kế hoạch, mỗi nơi đều phải “tùy cơ ứng biến”. Tại Áo đã có sáng kiến tổ chức lớp hoc ngoài trời, tại Ý chính quyền đã quyết định ồ ạt tuyển dụng giáo viên, Trung Quốc thì cấm sinh viên rời thành phố của mình 15 ngày trước ngày nhập học 01/09…

Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal chẳng hạn, đã đến tìm hiểu vấn đề tại Dallas, bang Texas. Tại đó, ông  Michael Hinojosa, người chịu trách nhiêm về ngày tựu trường của 153.000 học sinh, đã phải vò đầu bứt tai từ cuối tháng 7 để làm sao thực hiện nhiều điều khó có thể kết hợp với nhau, vừa tránh nguy cơ  thiếu sót trong học tập, vừa tránh để cho Covid-19 lan rộng.

Vấn đề mở lại trường học cũng gây chia rẽ ở Mỹ: Một số người muốn học sinh, sinh viên trở lại trường lớp, nhưng một số công đoàn không loại trừ kêu gọi đình công. Trong lúc Covid-19 lan rộng thì nhiều thành phố tập trung cải thiện việc giảng dậy từ xa.

Theo Courrier International, từ Seoul đến New York, Luân Đôn hay Mêhicô, giảng dậy từ xa cũng là một trong những công trường lớn của mùa nhập học năm nay với tất cả những hệ quả và khả năng gây thêm bất bình đẳng. Tại Mêhicô mà hệ thống internet còn yếu kém, thì việc giảng dậy qua truyền hình được ưu tiên. Hàn Quốc thì huy động sinh viên và nhà giáo về hưu để giúp đỡ học sinh gặp khó khăn.

Ngày trở lại làm việc và học tập trong căng thẳng cao độ

“Ngày tựu trường” hay đúng hơn là “ngày trở lại làm việc” sau kỳ nghỉ hè tại Pháp – cũng đã được tạp chí L’Express nêu bật trong tựa lớn trang bìa: “Covid-19: Ngày trở lại trong tình trạng căng thẳng cao độ”.

Về ngày khai giảng năm học 2020-2021 tại Pháp, L’Express không tránh khỏi bi quan, cho rằng tình hình đang hứa hẹn nhiều hỗn loạn. Một trong những nguyên nhân là chính phủ bị cho là vẫn thiếu chuẩn bị, và các trường vẫn còn đang chờ chỉ đạo cụ thể từ cấp trên.

Một trong những mối lo ngại được nêu bật là các quy định về an toàn y tế chi phối việc mở lại các lớp học bị cho là không còn phù hợp với tình hình mới. Theo bà Sophie Vénétitay, phó tổng thư ký Công Đoàn các Giáo Viên Trung Học Toàn Quốc thì các quy định này đã được cập nhật lần cuối vào ngày 21 tháng 7, trong khi các tín hiệu về dịch Covid-19 trên lãnh thổ Pháp đều ở màu xanh, trong lúc tình hình hiện nay thì đã xấu hẳn đi.

Còn về việc tái lập các sinh hoạt bình thường, theo L’Express, một trong những điểm nhức nhối hiện nay tại Pháp là các bất cập trong vấn đề xét nghiệm Covid-19 một cách đại trà.

Ghi nhận chung của tạp chí Pháp rất nghiêm khắc: Thiếu nhân viên, người muốn xét nghiệm phải xếp hàng dài dằng dặc, kết quả lại có rất trễ… việc đẩy mạnh xét nghiệm đại trà tại Pháp để ngăn chặn virus đang là một mớ bòng bong, rất khó, thâm chí không thể thực hiện được. Các phòng xét nghiệm hiện đang oằn mình dưới các yêu cầu.

Nguy cơ Hồi Giáo cực đoan trong nhà trường tại Pháp

Vào lúc các trường học chuẩn bị mở cửa lại ở Pháp, tạp chí Le Point đã tung ra một quả bom qua hàng tựa lớn ngay trang bìa: “Hồi Giáo cực đoan trong trường học: Điều mà người ta không muốn thấy”.

Le Point độc quyền giới thiệu một quyển sách sắp ra mắt độc giả vào đầu tháng 9, nêu bật những lệch lạc của xu hướng co cụm cộng đồng và thái độ mù quáng của Bộ Giáo Dục Pháp.

Người viết quyển sách, ông Jean-Pierre Obin, cách nay hơn 15 năm, từng là tác giả chính của một bản báo cáo về sự bành trướng của tư tưởng Hồi Giáo cực đoan trong nhà trường tại Pháp mà trên nguyên tắc phải là phi tôn giáo, thuật ngữ chính thức gọi là “tính chất thế tục”. Vấn đề là bản báo cáo đã bị ém nhẹm, không hề được công bố, vào lúc mà những lệch lạc được ghi nhận trong đó ngày càng nặng nề thêm.

Theo Le Point, trong quyển sách sắp ra mắt, ông Obin đã nêu lên những ví dụ cụ thể về sự lộng hành của tư tưởng Hồi Giáo cực đoan trong môi trường giáo dục, từ việc chống lại các nội dung giảng dậy bị cho là chống Hồi Giáo, cho đến việc đòi hỏi được phục vụ món ăn riêng phù hợp với đạo Hồi trong căng tin tập thể, hay phản đối tình trạng nam nữ học chung một lớp.

Điều đáng ngại là sức ép lớn đến mức nhiều giáo viên tại những khu vực nhạy cảm đã tự kiểm duyệt để khỏi bị phiền hà, trong sự thờ ơ của các cấp chịu trách nhiệm.

Voltaire và Rousseau bị “cấm” học

Như nói ở trên, xu hướng Hồi Giáo cực đoan đã tìm cách chống lại các nội dung giảng dậy trong nhà trường tại Pháp, dù đó nằm tròn chương trình chính thức. Ông Obin đã nêu ví dụ về môn văn.

Các triết gia thời kỳ Ánh Sáng, nhất là Voltaire và Rousseau, và những văn bản đặt tôn giáo dưới sự soi rọi của lý trí đặc biệt bị nhắm: “Rousseau đi ngược lại với tôn giáo của tôi”, một học sinh trung học chuyên nghiệp đã nói như trên với giáo viên trước khi rời lớp học.

Molière, và đặc biệt là tác phẩm Le Tartuffe, cũng là mục tiêu bị nhắm với nhiều học sinh không chịu học hoăc không chịu diễn khi dựng lên thành kịch, bị tẩy chay hoặc phá rối lúc trình diễn.

Đối tượng bị tấn công còn là những tác phẩm bị xem là đồi trụy (ví dụ như Cyrano de Bergerac), tự do quá trớn hay cổ vũ cho quyền tự do của phụ nữ  như Madame Bovary, hoặc là của những tác giả bị cho là đã được đưa vào chương trình để quảng bá cho Thiên Chúa Giáo như Chrétien de Troyes…

Những ví dụ kể trên khiến người ta nghi ngờ là trong một vài khu phố, học sinh đã bị xúi giục là phải cảnh giác trước những gì giáo viên của họ đề nghị, phải chọn lọc những bài văn trong chương trình học theo những tiêu chí tôn giáo, từ halal – được phép -đến haram – bị cấm.

Alexeï Navalny, nạn nhân của chất độc tham nhũng ở Nga

Vụ nhà đối lập chống Putin hàng đầu tại Nga bị đầu độc và được đưa sang điều trị tại Đức, cũng rất được các tuần báo chú ý. Trong lúc L’Obs tìm hiểu xem “Ai đã đầu độc Alexeï Navalny?” thì L’Express tự hỏi: “Phải chăng Alexeï Navalny là nạn nhân của chất độc tham nhũng tại Nga?”.

Theo L’Express, khi lao vào một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng, nhà đối lập với Putin đã gây nên phiền toái tại một đất nước bị chìm đắm trong tệ nạn này. Và theo các bác sĩ tại bệnh viện ở Berlin, nơi nhà đối lập được chuyển đến, thì đúng là ông Navalny đã bị đầu độc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đòi Matxcơva phải minh bạch, nhưng yêu cầu của bà hẳn là không có cơ may được đáp ứng, vì tình trạng mập mờ trong hệ thống cai trị ở Nga chính là điều mà Navalny, với tư cách nhà hoạt động cũng như chính trị gia, đã lao vào đấu tranh đòi xóa bỏ từ khoảng một chục năm nay.

Nhà sáng lập Quỹ Chống Tham Nhũng FBK đã có nhiều kẻ thù trong giới thân cận với điện Kremlin trong cuộc chiến của ông. Ông đã không ngần ngại gọi đảng của ông Putin, Nước Nga Thống Nhất, là đảng của những “kẻ cắp và lừa đảo”, đã đưa lên mạng những video rất được quần chúng ưa thích cho thấy nhà cửa sang trọng đẹp mắt, ở Nga cũng như ở nước ngoài, của các quan chức cao cấp và nhân vật quyền thế. Ông đã tấn công vào cựu thủ tướng Dmitri Medvedev vào năm 2017.

Nhà đối lập cũng không phải tốn công tìm tòi về nạn tham nhũng tràn lan ở Nga, vốn bị tổ chức Minh Bạch Quốc Tế – Transparency International-  xếp hạng 137 trên 180 quốc gia về tham nhũng.

Trước những lời chỉ trích, tổng thống Nga đã đứng ra đóng vai người hùng chống tham nhũng, thậm chí năm 2018 còn đưa ra một danh sách đen các quan chức đã không còn được sự tin tưởng của chính quyền. Nhưng đối với Quỹ FBK, đó chỉ là một màn khói mù để đánh lạc hướng dư luận, lái sự chú ý khỏi những vụ nghiêm trọng hơn.

Theo L’Express, việc Alexeï Navalny bị đầu độc đã được xác nhận, nhưng vẫn còn câu hỏi: Lệnh bịt miệng ông đến từ chủ nhân điện Kremlin hay là từ một trong những người mà ông Putin che chở ?

Chống lãng phí thực phẩm kiểu Trung Quốc

Xin kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một nhận xét lý thú của tạp chí Courrier International về chiến dịch chống lãng phí kiểu Trung Quốc vừa được ông Tập Cận Bình tung ra, được nêu bật trên trang bìa với hàng tựa nhỏ: “Tập Cận Bình tấn công vào tệ nạn lãng phí thực phẩm”.

Theo Courrier International, đây là một chiến dịch rộng lớn nhằm chống phí phạm thực phẩm, với các nơi tranh nhau đưa ra biện pháp, đôi khi khá kỳ lạ.

Theo báo mạng Trung Quốc Bành Phái Tân Văn (Pengpai), ngày 12/08 vừa qua, liên đoàn nhà hàng ở Vũ Hán đã khuyến khích một mô hình đặt món ăn mới có thể gọi là “-1”, có nghĩa là một bàn có 10 người ăn thì chỉ được gọi 9 món mà thôi, nghĩa là ít đi một món so với thông lệ. Và thức ăn trên bàn phải được ăn hết nếu muốn gọi thêm món khác.

Ngày hôm sau, 13/08, đến lượt liên đoàn nhà hàng ở Liêu Ninh đưa ra quy định gắt gao hơn “-2”, tức là bàn 10 khách chỉ được gọi 8 món.

Theo Courrier International, lãng phí thức ăn ở Trung Quốc là một tệ nạn thật sự. Không hiếm hình ảnh các bàn ăn sau những bữa tiệc còn đầy những đĩa đầy ắp, dường như chưa ăn đến.

Đài truyền hình CCTV đã tiết lộ trên mạng Vi Bác là vào năm 2015, lượng thức ăn mà nhà hàng đổ đi tương đương với 1 năm lương thực cho từ 30 đến 50 triệu người!

Theo RFI