Bé trai 12 tháng tuổi ở Thái Bình bị nhét giẻ vào miệng: Những người liên quan phải chịu trách nhiệm thế nào?

Liên quan đến vụ việc trên, Chủ tịch UBND phường Tiền Phong, TP Thái Bình cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin phản ánh, sáng 29/6, Công an thành phố khẩn trương xuống địa bàn làm việc để xác minh sự việc liên quan đến clip này. Hiện vẫn đang trong quá trình điều tra chưa có kết luận cụ thể.

Cháu bé bị nhét giẻ vào miệng.

Cháu bé bị nhét giẻ vào miệng.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một đoạn video một cháu bé đang cố gào khóc, giãy giụa khi bị nhét giẻ vào miệng. Cụ thể, clip do chủ tài khoản V.D.L. đăng lên mạng. Người này cho hay từng làm việc tại nhóm trẻ Sao Việt. Clip được quay vào ngày 4/5. Tuy nhiên, do còn làm tại đó và sợ chưa dám đăng.

Theo chủ tài khoản: “Cháu em là bé Hoàng Nhật N., 11 tháng tuổi đi học tại trường mẫu giáo Sao Việt tại địa chỉ 56 Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình. Cháu đi học từ tháng 3. Video là do một cô giáo dạy cùng thương bé quay lại”.

Sau khi bé bị bịt miệng bởi giẻ, người phụ nữ này còn nắm chặt tay chân để bé không giãy giụa, mặc dù bé òa khóc.

Ngay sau khi bài viết và đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội facebook được hàng trăm lượt chia sẻ, nhiều người bình luận, bày tỏ phẫn nộ về hành vi trên.

Nhận định về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành động tàn nhẫn, phản giáo dục của người phụ nữ trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi hành hạ người khác.

Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Đặng Văn Cường.

Qua clip ngắn ở trên cho thấy người phụ nữ đã nhét giẻ vào mồm cháu bé còn rất nhỏ trong tình trạng hoảng loạn, sợ hãi. Hành vi như vậy là phản giáo dục, dù bất cứ lý do gì thì cha mẹ cũng như những người chăm sóc trẻ em không được phép thực hiện những hành vi bạo hành như vậy.

Luật sư Cường cho rằng, hành vi trên là bạo lực, bạo hành, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và tâm lý của trẻ em. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ người phụ nữ đã có hành vi bạo hành em bé 12 tháng là ai, sự việc diễn ra vào hoàn cảnh nào?

Trong trường hợp đây là sự việc diễn ra ở trường mầm non tư thục thì cần xem xét về giấy tờ pháp lý của cơ sở giáo dục này, đồng thời xem xét trình độ nghiệp vụ của người trong clip.

Trường hợp cơ sở giáo dục này hoạt động chui, trái phép hoặc giáo viên không có trình độ chuyên môn phù hợp thì cần phải đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm những người vi phạm.

Trường hợp cơ sở đủ điều kiện hoạt động nhưng để xảy ra mất an toàn cho trẻ em thì cũng cần đình chỉ hoạt động để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường cho rằng, hành vi của người phụ nữ thể hiện qua clip cho thấy đây là hành vi hành hạ người khác. Trong trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy sự việc này đã diễn ra nhiều lần, đối với nhiều người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của các cháu bé thì người phụ nữ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc của mình đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hình phạt có thể đến 3 năm tù.

Tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ Luật hình sự 2015 như sau:

“Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên”.

Như vậy, trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi là của giáo viên đã gây ra tâm lý hoảng loạn, sợ hãi, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của em bé trên thì giáo viên này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 140 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên với mức hình phạt là cải tạo không gian giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Theo người dân cho biết, sáng 29/6, lực lượng công an có mặt tại đây, cơ sở này cũng đóng cửa từ sáng

Theo người dân cho biết, sáng 29/6, lực lượng công an có mặt tại đây, cơ sở này cũng đóng cửa từ sáng.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng, việc có xử lý hình sự hay không sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người phụ nữ đánh trẻ và nạn nhân có phải là mối quan hệ phụ thuộc hay không.

Hành vi này được xác định là đối xử tàn ác, tuy nhiên cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của hành vi. Hành vi đối xử tàn ác với trẻ em đã ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cháu bé như thế nào? Trên cơ sở đánh giá đầy đủ về hành vi, tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra để xem xét có xử lý hình sự hay không.

Trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự do cháu bé không bị tổn thương về tâm lý sức khỏe thì vẫn cần phải xử lý kỷ luật đối với giáo viên này có thể sẽ ở mức độ cao nhất là buộc thôi việc, đồng thời sẽ xử phạt hành chính về hành vi hành hạ người khác theo quy định tại Nghị định số 167 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

“Hành vi bạo hành trẻ em thể hiện qua clip nêu trên là hành vi rất đáng trách, đáng lên án. Để xảy ra những vụ việc bạo hành với trẻ em như vậy là rất đau lòng, gây lo lắng hoang mang cho các phụ huynh và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bởi vậy chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với người vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo TIN TỨC