Bầu cử Mỹ: Trung Quốc hy vọng Mỹ thay đổi với Biden, nhưng đó chỉ là ảo vọng

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ càng gần kề, Bắc Kinh được cho là càng nuôi hy vọng về khả năng xung đột với Washington sẽ giảm bớt nếu Joe Biden giành chiến thắng. Thế nhưng theo các nhà phân tích được hãng tin Mỹ AP ngày 23/10/2020 phỏng vấn, bất kỳ thay đổi nào, nếu có, chỉ mang tính hình thức chứ không phải thực chất, bởi vì cả nước Mỹ đều ngày càng nghi kỵ Bắc Kinh.

Về phía Quốc Hội, các nhà lập pháp Mỹ, từ Dân Chủ đến Cộng Hòa, và các cử tri của họ, đều có dấu hiệu không muốn chính quyền mềm mỏng trở lại đối với Trung Quốc, điều dự báo cho một quan hệ căng thẳng tiếp tục với Trung Quốc, bất kể kết quả của cuộc bầu cử.

Công chúng Mỹ cũng có cái nhìn tiêu cực không kém. Hai phần ba số người được trung tâm thăm dò Pew Research Center đặt câu hỏi vào tháng 3 vừa qua, đều có cái nhìn “không thuận lợi” về Trung Quốc, mức cao nhất kể từ khi có các cuộc thăm dò vào năm 2005 đến nay.

Quan hệ Mỹ-Trung hiện rơi xuống mức tệ hại nhất trong nhiều thập kỷ trong bối cảnh tranh cãi về đại dịch Covid-19, công nghệ, thương mại, an ninh và gián điệp.

Dù bất hòa với nhau trên nhiều mặt khác, nhưng hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại Mỹ đều chỉ trích hồ sơ thương mại và cách hành xử của Bắc Kinh đối với Hồng Kông, Đài Loan, cũng như với các nhóm tôn giáo và thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi mà đảng Cộng Sản Trung Quốc giam giữ cả triệu người Hồi Giáo trong các trại cải tạo.

Tại sao Trung Quốc đặt hy vọng vào Biden

Giới lãnh đạo Trung Quốc lần này khá kín tiếng về cuộc bầu cử Mỹ, trái với lần trước vào năm 2016, khi họ ủng hộ Donald Trump hơn là Hillary Clinton vì Bắc Kinh căm hận việc bà Clinton, thời còn là ngoại trưởng của tổng thống Obama, đã luôn gây sức ép với Bắc Kinh, đặc biệt về nhân quyền. Hơn nữa, hình ảnh doanh nhân thành đạt của Trump đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích Trung Quốc, một tổng thống Mỹ như ông Biden có thể sẽ dễ đoán hơn đối với Bắc Kinh sau những cú sốc của cuộc chiến thuế quan mà ông Trump đã khởi động, cũng như cách ông kết thân với Ấn Độ, được coi là đối thủ chiến lược của Trung Quốc, và với các nước Đông Nam Á, đang có một loạt tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại Học Ngôn Ngữ và Văn Hóa Bắc Kinh cho rằng ít ra là chính sách của ông Biden sẽ không cảm tính và lố bịch như của ông Trump.

Một giáo sư khác tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh thì nhìn thấy là đảng Dân Chủ ít hiếu chiến hơn, vì vậy họ có thể quan tâm nhiều hơn đến việc ngăn chặn các xung đột quân sự, kể cả những sự cố hạn chế, và chú ý hơn đến việc phối hợp với Trung Quốc để quản lý khủng hoảng.

Giới lãnh đạo tình báo Mỹ tin rằng Trung Quốc không muốn Trump tái đắc cử, nhưng không trực tiếp cáo buộc Trung Quốc âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử hoặc ủng hộ Biden.

Trump và Biden tố cáo nhau không đủ cứng rắn đối với Bắc Kinh

Trong các cuộc tranh luận, các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống Mỹ đã cáo buộc nhau là đã thiếu hiệu quả hoặc không đủ cứng rắn với Trung Quốc.

Tổng thống Trump và phó tổng thống Mike Pence cáo buộc Biden đã để cho Trung Quốc tự do tung hoành khi ông còn là người phó của tổng thống Obama. Trong lúc đó thì thượng nghị sĩ Kamala Harris, ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh của ông Biden thì cho rằng cuộc chiến thương mại của ông Trump là một thất bại.

Theo Michael Hirson, thuộc nhóm nghiên cứu Eurasia Group, ông Biden sẽ cố gắng nối lại hợp tác với Bắc Kinh về biến đổi khí hậu, Bắc Triều Tiên, Iran và virus corona, nhưng cho rằng Biden sẽ phải đối mặt với sự đồng thuận rộng rãi tại Hoa Kỳ theo đó cách tiếp cận Trung Quốc thời tiền Donald Trump sẽ thất bại hoặc không còn phù hợp nữa.

Theo chuyên gia này, sẽ có rất nhiều khả năng là hai bên sẽ có một kiểu quan hệ tấn công vào nhau nhưng cố tránh một cuộc khủng hoảng lớn về Đài Loan hoặc Biển Đông.

Thái độ bất bình về tham vọng quân sự và chiến lược của Bắc Kinh lan rộng tại Washington cũng như trong các đồng minh của Mỹ. Giới chức quân sự Mỹ cho rằng Bắc Kinh là một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Cảm nhận đó khó có thể thay đổi dưới một chính quyền mới.

Robert Sutter, một chuyên gia chính trị về Trung Quốc tại Đại học George Washington, nhận định: “Biden sẽ là một vấn đề đối với Trung Quốc vì chính quyền Biden có thể sẽ gắt gao với Bắc Kinh về nhân quyền, đồng thời sẽ phối hợp như đã tuyên bố, với các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc, và như thế sẽ làm cho đường tiến của Trung Quốc thêm phức tạp”.

Elizabeth Economy, một thành viên cấp cao tại Viện Hoover, Đại Học Stanford, giải thích là Biden có thể khẳng định lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ theo chiều hướng gây áp lực để Trung Quốc phải thực hiện đúng theo những gì họ từng hứa hẹn trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.

Một phần dư luận Trung Quốc ủng hộ Trump vì “đã giúp” Bắc Kinh vươn lên

Một số người tại Trung Quốc vẫn ủng hộ ông Trump vì họ tin rằng ông đang tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn lên vị trí lãnh đạo toàn cầu bằng cách “dẫn nước Mỹ đi sai đường”. Việc ông không quan tâm đến nhân quyền, chỉ trích các đồng minh NATO và rút khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và Tổ Chức Y Tế Thế Giới được coi là thể hiện sự đầu hàng, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Theo chuyên gia Economy, cách ông Trump xử lý đại dịch Covid-19 và châm ngòi cho những căng thẳng trong nội bộ nước Mỹ về giai cấp và chủng tộc “chỉ đơn giản là quà tặng” cho chính phủ của ông Tập Cận Bình.

Các vấn đề bùng lên tại Hoa Kỳ đã cho phép ông Tập mô tả hệ thống độc đảng của Trung Quốc tốt hơn nền dân chủ phương Tây đầy hỗn loạn. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát đã phớt lờ hoặc bác bỏ những lời chỉ trích Bắc Kinh đàn áp các nhóm thiểu số hay về các vấn đề khác.

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc tin rằng Trump đang cố gắng ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc trong tư cách một lãnh đạo toàn cầu. Và Bắc Kinh thất vọng trước những thay đổi chính sách đột ngột của Trump.

Theo chuyên gia Scissors thuộc trung tâm tham vấn Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute) tại Washington:  “Chính quyền Trump thứ hai có khả năng là cũng sẽ không ổn định trong lúc mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc lại rất coi trọng sự ổn định”.

June Teufel Dreyer, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học Miami, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy Biden dễ uốn nắn hơn ngay cả khi vấn đề không thay đổi. Theo chuyên gia này, thì “trái với tục ngữ thông thường, Trung Quốc ngày nay thích quỷ lạ hơn là ma quen”.

Theo RFI