Bao giờ Việt Nam có nữ Thủ tướng, Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư?

Tại Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa cho đến nay chưa có một vị nữ thủ tướng, chủ tịch nước hay trong đảng cộng sản chưa có một nữ tổng bí thư. Vậy đến khi nào điều này mới có thể thành hiện thực?

Thụt lùi về tỷ lệ lãnh đạo nữ ở cấp cao

Kết quả bầu chọn các thành viên Bộ Chính trị (BCT) tại Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XIII vừa qua được xem là một bước thụt lùi của công tác bình đẳng giới ngay tại cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Trong danh sách 18 ủy viên BCT thì chỉ có duy nhất một phụ nữ là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung Ương. Tỷ lệ nữ trong BCT trong nhiệm kỳ này vì thế đã giảm xuống chỉ còn 5.5%,  thấp hơn rất nhiều con số 16,6% của nhiệm kỳ trước.

Không ít người trong giới chuyên môn đã tỏ ra thất vọng về sự tụt giảm này. TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) nói:

“Tôi rất thất vọng [khi chỉ có một phụ nữ được chọn vào BCT kỳ này] vì tôi rất mong muốn phụ nữ được chọn vào những vị trí cao nhất của đất nước. Và thực tế tôi còn thất vọng hơn vì trong những năm gần đây đã nổi lên nhiều gương mặt phụ nữ giỏi giang. Tôi đã hy vọng phụ nữ tham gia vào những vị trí lãnh đạo cao nhất sẽ tăng lên nhưng kết quả lại không phải như vậy”

Theo bà, trong khi ở khắp nơi trên thế giới, người ta đang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và nâng tỷ lệ đại diện phụ nữ để phản ánh và giải quyết hiệu quả hơn những nhu cầu và vấn đề của phụ nữ, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thì sự thiếu vắng phụ nữ trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất sẽ mang đến những bất lợi cho Việt Nam nơi phụ nữ chiếm xấp xỉ 50% dân số.

Kết quả Đại hội Đảng vừa qua với tỷ lệ phụ nữ được bầu thấp “đã phản ánh suy nghĩ thực” của những người làm công tác nhân sự và ra quyết định nhân sự về năng lực và vai trò của phụ nữ – TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS)

Trong một buổi tọa đàm về Phụ nữ lãnh đạo do Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM tổ chức ngày 5/3 vừa qua, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam cũng cảnh báo về sự thiếu hụt lãnh đạo nữ trong Chính phủ. Bà cho biết trong những năm trước đây, Chính phủ Việt Nam có lúc có 03 bộ trưởng nữ nhưng giờ đây không có ai.

“Gần đây tôi đã rất vui sướng khi chị Hồng [Nguyễn Thị Hồng] được giới thiệu và bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một chức vụ cũng thuộc hàm bộ trưởng” – bà Ninh nói và cho rằng Việt Nam cần có thêm hai nữ bộ trưởng nữa “mới đạt được con số nhỏ bé” đã có trước đây, chứ chưa nói gì tới việc có thêm tiến bộ.

Bà Ninh cho rằng thực tế đã chứng minh năng lực của phụ nữ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, kể cả kinh tế. Kể từ khi có Chính sách Đổi mới, rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào lĩnh vực kinh tế mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ hay ưu tiên nào. Vậy mà sau một vài thập kỷ, không ít doanh nghiệp do phụ nữ dẫn dắt đã trở thành những công ty, tập đoàn hàng đầu của Việt Nam.

“Nói cách khác, phụ nữ không cần phải chứng tỏ năng lực làm việc hay phẩm chất của họ nữa” – bà Ninh nói, thậm chí còn kêu gọi Chính phủ hãy mời những phụ nữ là Tổng giám đốc của những tập đoàn thành công này đảm nhận các vị trí bộ trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nói về các nữ đại biểu Quốc hội hay hội đồng nhân dân các cấp, giới chuyên môn cũng cho rằng họ hiện có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết không thua kém nam giới.

Nói về các nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng caonăng lực phụ nữ (CEPEW) đồng thời là một chuyên gia theo dõi bầu cử của Việt Nam cho rằng họ có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết không thua kém nam giới. Đơn cử ở Quốc hội Khoá XIV, nữ đại biểu có trình độ chuyên môn và khả năng hoàn thành công việc tương đương với đại biểu Quốc hội là nam giới. Cụ thể, gần 100% đại biểu nam và đại biểu nữ đều có trình độ đại học trở lên và đóng góp với vai trò đại biểu của họ đều ngang bằng nhau.

“Nghiên cứu vừa rồi của chúng tôi cho thấy số lần tiếp xúc cử tri của đại biểu nữ và nam như nhau, tiếp xúc qua các kênh khác nhau của đại biểu nữ cũng không thua kém, số lượng đơn thư do nữ đại biểu tiếp nhận và giải quyết cũng ngang ngửa. Chưa kể, nữ đại biểu tích cực tiếp xúc cử tri qua mang xã hội hơn so với nam đại biểu. Theo dõi truyền thông cũng cho thấy đại biểu Lê Thị Nga đã theo đuổi những vấn đề gai góc như phòng chống tham nhũng hay xét xử oan sai.” – bà Hà nói và cho biết những phát biểu và tranh luận tại nghị trường Quốc hội của một số đại biểu nữ cho thấy các chị nắm được vấn đề và rất có bản lĩnh khi phát biểu.

Nhiều năm nay chúng ta phấn đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là 35% nhưng chưa bao giờ đạt được đến 30%. Đỉnh cao về đại diện của phụ nữ ở trong Quốc hội là đạt 32% vào nhiệm kỳ trước năm 1976. Sau đó tỷ lệ này đã giảm mạnh từ năm 1976 khi nam giới từ chiến trường trở về, có lúc xuống thấp tới 18%. Sau này có rất nhiều nỗ lực để đưa lên nhưng chưa bao giờ đạt 30% cả. Tôi đang rất hồi hộp xem kỳ bầu cử tháng 4 tới chúng ta có đạt được chỉ tiêu này hay không – TS Khuất Thu Hồng

Vì sao vẫn vắng bóng lãnh đạo nữ?   

Theo TS Hồng, phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có khả năng giữ những vị trí cao nhất của đất nước như Tổng Bí thư, Thủ tướng hay Chủ tịch nước nhưng điều đó chưa xảy ra vì “xã hội Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận điều đó”, xét cả về vấn đề nhận thức lẫn thể chế.

Cụ thể, bà cho rằng mặc dù Việt Nam đã có Luật Bình Đẳng giới, Hiến pháp đã quy định và các luật lệ khác cũng rất tiên tiến nhưng định kiến giới của người dân và lãnh đạo vẫn còn là rào cản khổng lồ ngăn trở phụ nữ tham gia vào các vai trò lãnh đạo.

“Trong những nghiên cứu của chúng tôi, phụ nữ luôn bị đặt dưới nam giới về năng lực. Phụ nữ thường bị cho là không có khả năng làm việc dưới áp lực cao, không có tầm nhìn như nam giới, không có phẩm chất của nhà lãnh đạo do không khống chế được cảm xúc của mình, không quyết đoán” – TS Hồng cho biết.

“Quan trọng nữa là ở Việt Nam người ta cho rằng: Phụ nữ sinh ra để làm nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già. Họ gán cho đó là thiên chức và nói phụ nữ phải đặt gia đình lên trên tất cả. Nếu chọn phụ nữ làm lãnh đạo thì có thể họ sẽ không toàn tâm toàn ý như nam giới” – TS Hồng nói tiếp.

Bà cho biết không ít người dân tham gia nghiên cứu của bà nói rằng khi đi bầu cử Đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, họ thường chọn nam giới hơn là phụ nữ. Có người cứ thấy có chữ “thị” thì gạch vì họ cho rằng phụ nữ thường ưu tiên gia đình nên khó toàn tâm toàn ý cho công việc xã hội được.

“Gắn chặt người phụ nữ với những vai trò nội trợ, chăm sóc trong gia đình như vậy đang lấy đi cơ hội của họ [phụ nữ] để trở thành những người lãnh đạo” – bà Hồng nói và cho rằng tư tưởng này không chỉ ăn sâu, bám rễ trong cử tri mà còn cả trong những người làm nhân sự cấp cao.

“Các cán bộ nhân sự ở cấp cao họ cũng suy nghĩ hệt như vậy, rằng phụ nữ không thể toàn tâm toàn ý cho công việc được”. Bà cũng cho rằng kết quả Đại hội Đảng vừa qua với tỷ lệ phụ nữ được bầu thấp “đã phản ánh suy nghĩ thực” của những người làm công tác nhân sự và ra quyết định nhân sự về năng lực và vai trò của phụ nữ.

Cùng quan điểm này, bà Hà cho rằng xét về năng lực, tâm huyết, nỗ lực thì không thiếu những phụ nữ Việt Nam có thể đảm nhận những vị trí đứng đầu đất nước. Nhưng có được điều đó, yếu tố then chốt là người làm công tác nhân sự và những người ra quyết định nhân sự cấp cao mà cụ thể là Bộ Chính trị cần phải có lăng kính giới.

Bà Hà cũng cho biết rằng một khó khăn không nhỏ nữa cũng cần được giải quyết, đó là làm thế nào để quy trình làm công tác nhân sự thực sự dân chủ và minh bạch.

Nghiên cứu của chúng tôi năm 2019 đã chỉ ra rằng các chị phụ nữ khá lo lắng liệu quy trình cán bộ có đủ minh bạch, dân chủ và khách quan hay không vì nếu không [nếu không có được những điều đó] thì phụ nữ lại là người bị loại trước” – bà Hà cho biết.

Bà Trương Thị Mai liệu có giữ một trong 4 vị trí tứ trụ?

Kể từ năm 1945 trở lại đây, chức vụ cao nhất mà phụ nữ Việt Nam đã từng nắm giữ là vị trí Chủ tich quốc hội và vị trí này đã được bà Nguyễn Thị Kim Ngân đảm nhiệm từ năm 2016 đến nay. Việt Nam chưa từng có nữ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (trừ trường hợp làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian ngắn), Thủ tướng, Phó thủ tướng hay bộ trưởng các bộ quan trọng như ngoại giao, công an, quốc phòng, tài chính.  Dự kiến, bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ nghỉ hưu trong những tháng tới do đã quá 65 tuổi và nhiều khả năng, bốn vị trí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ lại do nam giới nắm giữ hoàn toàn.

Khi được hỏi liệu Việt Nam sẽ có phụ nữ nắm giữ một trong bốn vị trí tứ trụ trong nhiệm kỳ sắp tới 2021-2026, tất cả các chuyên gia về giới và nhà nghiên cứu Việt Nam mà phóng viên RFA có dịp trao đổi trong khuôn khổ bài viết này đều cho rằng điều này sẽ không xảy ra.

truong-thi-mai-1612025642096488360802-22-0-906-1414-crop-1612025648192389825436.jpg
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung Ương hiện là ủy viên Bộ Chính trị duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: phunuvietnam.vn

Trả lời phỏng vấn RFA, Tiến sĩ Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia cho rằng trong đợt Đại hội Đảng XIII vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cơ hội chọn một phụ nữ giữ vị trí tứ trụ nhưng họ đã không chọn điều này.

“Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ bầu duy nhất một phụ nữ vào Bộ Chính trị, đó là bà Trương Thị Mai. Vào thời điểm đó, Việt nam đã có thể chọn một phụ nữ làm Chủ tịch nước.  Để có thể được chọn trở thành một trong bốn vị trí tứ trụ, một ứng cử viên phải đã là thành viên Bộ Chính trị trong đủ một nhiệm kỳ 5 năm. Bà Mai đáp ứng được tiêu chí này nhưng có thể đã có những quy định khác khiến bà không được chọn, trong đó có yêu cầu về kinh nghiệm làm việc phù hợp trong Chính phủ”- Ông Thayer nói. Ông đồng thời cho biết vào thời điểm đại hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã có thể có được ngoại lệ về tuổi để ở lại do đã có những cống hiến vượt bậc và liên tục giành được số phiếu tín nhiệm cao hàng đầu.

Bao giờ Việt Nam có phụ nữ đứng đầu Đảng, Chính phủ hay Nhà nước?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) đồng thời là một chuyên gia về Việt Nam, cho rằng chưa biết bao giờ Việt Nam mới có phụ nữ giữ một trong ba trọng trách đứng đầu Đảng, Chính phủ hay Nhà nước.

“Chúng ta chưa thấy có nước nào theo chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin có chủ tịch nước, thủ tướng, tổng bí thư đảng cộng sản, bộ trưởng công an, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao… là nữ” – ông Hợp nói.

Ông cho rằng để đạt trình độ bình đẳng giới ngày càng cao, trước hết cần dựa vào luật bình đẳng giới và dựa vào Hiến pháp (Hiến pháp quy định mọi công dân đều bình đẳng với nhau). Đồng thời tới đây, điều lệ Đảng cần phải được sửa đổi theo hướng có thêm các điều khoản về bình đẳng giới.

“Chỉ khi nào điều lệ đảng có quy định về bình đẳng giới, thì sau nó 10 năm mới có thể có thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, công an, ngoại giao… là nữ. Đấy là khi mà thể chế chính trị này còn tồn tại.”

GS Thayer cũng nhấn mạnh vai trò quyết định của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong vấn đề này.

“Có thể có phụ nữ Việt nam đảm nhiệm những vị trí quan trọng này với điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam tự đặt cho mình mục tiêu này và có những biện pháp kiên quyết để đạt được nó”. Ông chỉ ra một thực tế rằng mặc dù tỷ lệ phụ nữ và nam giới của Việt Nam khá đồng đều (tính đến năm 2020, phụ nữ chiếm 50.2% dân số và nam giới chiếm 49.8%) nhưng phụ nữ chỉ chiếm 10% trong danh sách ủy viên Trung ương vừa được bầu.

Ông cho rằng trong nhiệm kỳ 2026-2031, về lý thuyết, Việt Nam có thể có một phụ nữ được bầu làm Chủ tịch nước. Khi đó, Việt Nam chỉ có 01 nữ ứng cử viên duy nhất là bà Mai (vì hiện tại Bộ Chính trị chỉ có bà là nữ).

“Vào thời điểm này, bà Trương Thị Mai đã có hai nhiệm kỳ ở Bộ Chính trị nhưng ở tuổi 68 bà sẽ cần có đặc cách để đảm nhận vị trí Chủ tịch nước” – ông Thayer phân tích và cho rằng bà cũng cần được giao những trách nhiệm đặc biệt trong chính phủ trong 5 năm tới để có một nền tảng phù hợp cho vị trí Chủ tịch nước. Tuy nhiên, ông cũng cho biết một thực tế là hiện nay, tên bà Mai không xuất hiện trên danh sách các bộ trưởng hay phó thủ tướng Chính phủ đang được lưu hành ở Việt Nam.

GS Thayer cho rằng khả năng Việt Nam có một tứ trụ là nữ sau 10 năm nữa sẽ cao hơn, nhưng để làm được điều đó cũng cần có sự chuẩn bị cho các thành viên nữ hiện tại của Ủy ban Trung ương có vai trò đó trong năm năm tới, nghĩa là giao cho họ những nhiệm vụ và công việc có liên quan để thể hiện và có được kinh nghiệm.  Ông cũng cho rằng mục tiêu có được một phụ nữ giữ một trong 4 cương vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cần đi kèm với một chiến dịch để nâng cao số phụ nữ là thành viên của Đảng Cộng sản và đặc biệt là của Ủy Ban Trung Ương.

Theo RFA