Báo đảng sửa bài sau khi có thêm người chết vì chích Sinopharm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đang điều trị, theo dõi các bệnh nhân bị phản ứng phản vệ sau khi tiêm vaccine Sinopharm. Courtesy of Tuoi Tre

Báo Pháp Luật TP.HCM âm thầm sửa bài về việc cần ưu tiên chích liều ba cho người đã tiêm Sinopharm trong lúc truyền thông nhà nước xác nhận người thứ ba chết vì vaccine này ở Thanh Hóa. 

Hôm 25/11/2021, báo đảng đồng loạt đưa tin có thêm một nữ công nhân  Công ty giày Kim Việt ở Thanh Hóa chết sau khi chích Sinopharm.

Đây là người thứ ba ở huyện Nông Cống chết sau chích vaccine Trung Quốc chỉ trong vòng hai ngày.

Ba người chết nằm trong số 5 người bị nặng, được chẩn đoán là “sốc phản vệ”, ngoài ra có 30 người “xuất hiện triệu chứng bất thường”. Chín người trong số này đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. 

Nhà chức trách giải thích rằng ba người chết “do tình trạng quá nặng và diễn biến quá nhanh”.

Bản tin trên báo Pháp Luật TP.HCM bị sửa nội dung để người dân bớt gây quan ngại về Sinopharm. Web screen capture

Sinopharm chỉ có hiệu lực trong 3 tháng?

Đáng lưu ý, tờ Pháp Luật TP.HCM vội vã sửa bản tin “TP.HCM cần ưu tiên tiêm mũi 3 cho người tiêm Sinopharm” thành “TP.HCM cần ưu tiên tiêm mũi 3 cho người lớn tuổi, bệnh nền”.

“Những người lớn tuổi, có bệnh nền, nhất là tiêm đủ vaccine Vero Cell (Sinopharm) cần được tiêm sớm mũi ba để giảm nguy cơ lây nhiễm, trở nặng và tử vong,” báo này viết.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, người dân Sài Gòn bắt đầu tiêm Sinopharm vào giữa tháng 8/2021. Đến khoảng tuần đầu tháng 9 thì tiêm mũi hai. Như vậy đã sắp tới thời hạn ba tháng – mức thời gian tối ưu cho hiệu lực. vaccine Vero Cell theo khuyến cáo. Nhà chức trách vì thế cần tiêm mũi ba cho người dân tiêm đủ hai liều Sinopharm từ đầu tháng 12. 

Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn ở Úc bình luận: “Trước kia, bài báo có tựa đề với chữ “vaccine Vero Cell”, nhưng sau đó (after) thì chữ này biến mất! Tức là có … can thiệp. Cái thí nghiệm “Before – After” loại này nói lên tầm ảnh hưởng của những gì liên quan đến Tàu. Anh phóng viên viết bài này hy vọng là không bị làm phiền phức.

Bởi vậy tôi rất thông cảm cho phóng viên, ký giả ở Việt Nam. Họ cắt xén chữ của tôi, tôi chẳng phàn nàn gì. Họ đặt mình viết bài, nhưng sau đó không đăng, tôi cũng chẳng buồn phiền gì. Đã biết trước cái hệ thống nó ‘unpredictable’ như vậy thì không có gì làm tôi ngạc nhiên hay bực tức. Nếu có bực tức thì giận cái hèn của hệ thống. Thế thôi. Chỉ thấy tội nghiệp các bạn làm nghề viết lách chân chánh ở Việt Nam thôi!”

Hàng chục triệu người dân ở Sài Gòn và các tỉnh khác không có chọn lựa nào khác ngoài vaccine Sinopharm trong lúc vaccine do Mỹ tài trợ chủ yếu dành để chích cho đảng viên, giới chức. Courtesy of Phap Luat TP.HCM

Khó có cuộc điều tra độc lập

Sau vụ chết ba người vì chích Sinopharm, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến trong quá trình sử dụng vaccine tại huyện Nông Cống và báo cáo Bộ Y tế CSVN xin ý kiến chỉ đạo.

Sau sự việc trên, huyện Nông Cống đã tạm dừng tiêm vaccine Sinopharm, còn các loại vaccine khác vẫn triển khai như kế hoạch.

Tính đến chiều 25/11/2021, công luận thấy ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế CSVN, vẫn giữ im lặng về vụ việc.

Chưa hề có địa phương nào thông báo tạm dừng chích Sinopharm đại trà như trong những tháng qua.

Theo báo đảng, huyện Nông Cống “hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 50 triệu đồng” và không có bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào về cái chết của ba người xấu số. 

Cũng không loại trừ khả năng các bản tin về người chết do chích Sinopharm sẽ bị gỡ link sớm theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương để “tránh gây hoang mang cho dư luận”.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn