Home Việt Nam Báo đảng nói công nhân Bình Dương bới thùng rác tìm đồ...

Báo đảng nói công nhân Bình Dương bới thùng rác tìm đồ ăn

Nghe đọc bài

Giải thích chuyện không về quê ăn Tết, ông Phương nói: “Lúc nào về hàng xóm cũng kêu ‘dân Bình Dương về kìa, dân Bình Dương đi làm về nhiều tiền lắm.’ Thử hỏi giờ đi làm ăn xa về, trong túi không có một đồng, người ta coi mình ra gì. Đâu ai biết mình trên này khổ, giờ chỉ mong được về quê thôi, chứ tiền bạc chắc không có rồi.”

Loạt ảnh đăng trên báo Dân Trí hôm 20 Tháng Giêng (29 Tháng Chạp) cho thấy một số công nhân ở cư xá Hưng Lợi 2, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cạn tiền đến mức phải bới thùng rác để tìm đồ ăn, quần áo…

Cư xá Hưng Lợi 2 được ghi nhận có hàng ngàn công nhân, lao động nghèo đang ở trong các phòng trọ lụp xụp những ngày cận Tết.

Không về quê như mọi năm, khu phòng trọ này còn khoảng 1,300 người, đa phần là công nhân nghèo, lao động thời vụ hoặc mất việc, bị giảm lương, nên đành ở lại ăn Tết “không bánh chưng.”

Báo Dân Trí nêu trường hợp của vợ chồng ông Hồ Vũ Phương sống trong căn trọ chỉ vẻn vẹn 13 mét vuông, vừa được mạnh thường quân cho 5 kg gạo. Bữa cơm của hai vợ chồng được ghi nhận là mỗi người một chén cơm, chia nhau một con cá khô, chan nước mắm.

Ông Phương nói: “Bữa cơm hôm nay ngon hơn thường ngày, vì không phải bới thùng rác kiếm đồ ăn nữa. Kế bên dãy trọ có khu chợ, họ thường bỏ rau, thịt cá không bán được vào thùng rác, tôi mới nhặt vào ăn. Người ta thấy vậy khuyên tôi không nên, vì toàn đồ hết hạn sử dụng. Nhưng đói quá, biết làm sao.”

Bản tin cho hay, vợ chồng ông Phương, quê ở tỉnh An Giang, đến tỉnh Bình Dương làm công nhân tại một nhà máy sản xuất gỗ. Hai năm qua, vợ chồng ông rơi vào thất nghiệp nên phải đi làm thời vụ. Ai thuê gì làm nấy, mỗi tháng, hai vợ chồng cố gắng lắm mới kiếm được 5 triệu đồng ($213).

Chỉ tính riêng tiền thuê phòng trọ đã hơn 2 triệu đồng ($85), đó là chưa kể vợ chồng ông phải gửi 1.5 triệu đồng ($64) về quê cho bà nội chăm cháu. Do vậy, vợ chồng ông chủ yếu sống nhờ đồ ăn do những người ở trọ xung quanh thương tình chia sẻ.

Giải thích chuyện không về quê ăn Tết, ông Phương nói: “Lúc nào về hàng xóm cũng kêu ‘dân Bình Dương về kìa, dân Bình Dương đi làm về nhiều tiền lắm.’ Thử hỏi giờ đi làm ăn xa về, trong túi không có một đồng, người ta coi mình ra gì. Đâu ai biết mình trên này khổ, giờ chỉ mong được về quê thôi, chứ tiền bạc chắc không có rồi.”

Báo Dân Trí cũng kể thêm, tại khu cư xá Hưng Lợi 2, bà Nguyễn Thị Thu, 39 tuổi, bán tạp hóa, tuy không khấm khá gì, nhưng được xem là ân nhân của hơn 50 gia đình.

Trong những tháng dịch COVID-19 bùng phát, bà là người đem gạo trong nhà phát cho các phòng trọ.

Bà Thu chấp nhận bán thiếu cho các gia đình công nhân, đến nay số tiền ghi nợ lên đến 90 triệu đồng ($3,800). Nào ngờ, hàng loạt công nhân thất nghiệp, rời cư xá và cũng chẳng có ai trả tiền nợ bà. Mấy ngày qua, vợ chồng bà rầu rĩ vì phải vay tiền “xã hội đen” để duy trì tiệm tạp hóa nhưng không có tiền trả.

(Theo Người Việt)

Exit mobile version