Báo đảng gỡ thể diện cho Nguyễn Xuân Phúc vụ ‘giúp’ FLC lấy đất rừng

Ông Trịnh Đình Dũng (trái) và ông Nguyễn Xuân Phúc. Courtesy of VGP

Việc báo điện tử Chính Phủ đăng bài “nói lại cho rõ” vụ ông Nguyễn Xuân Phúc “phê duyệt phá rừng xây sân golf” vào giờ chót trước khi rời ghế thủ tướng cho thấy lãnh đạo CSVN cũng lo ngại bị công luận chỉ trích và cáo buộc tham nhũng.

Hơn nửa tháng qua, công luận bàn tán về việc một số tờ báo đăng tải tin ông Nguyễn Xuân Phúc ngay khi rời ghế thủ tướng CSVN đã ký phê duyệt dự án giúp Tập đoàn FLC biến 174 ha rừng làm sân golf Đak Đoa ở tỉnh Gia Lai. 

“Người ký phê duyệt là Trịnh Đình Dũng”

Ông Phúc, nay làm chủ tịch nước, nhận nhiều chỉ trích về việc “hốt cú chót” với hai doanh nghiệp bất động sản FLC và Vinhomes (phê duyệt dự án địa ốc trị giá 1,4 tỷ đô la của công ty này tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Báo điện tử Chính Phủ hôm 20/4/2021 cho biết: “Ngày 1/4/2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án”.

Rừng thông Đak Đoa nay có nguy cơ biến mất vì sân golf của Tập đoàn FLC. Courtesy of Tuoi Tre

“Quá trình thực hiện, hồ sơ dự án đầu tư dự án sân golf Đak Đoa được tỉnh Gia Lai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình thủ tướng và báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa. Quá trình này không phải “một sớm, một chiều” là xong,” trang tin chính thức của Chính phủ CSVN viết.

Báo điện tử Chính Phủ cũng nhấn mạnh rằng ông Dũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn CSVN “hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, việc đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và các pháp luật liên quan khác thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai “chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho Nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật”.

Trang tin này kết luận rằng việc ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa “là thận trọng, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, nhằm phát triển kinh tế – xã hội của Gia Lai”.

Tuy vậy, bài đăng biện hộ cho ông Nguyễn Xuân Phúc của báo điện tử Chính Phủ chưa thuyết phục được công luận.

Vì văn bản phê duyệt dự án của FLC được ký hôm 1/4/2021, trong lúc theo báo nhà nước, đến sáng 2/4/2021, Quốc hội CSVN mới thông qua việc miễn nhiệm ghế thủ tướng của ông Phúc.

Hơn nữa, theo tờ Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Phúc “tiếp tục điều hành Chính phủ cho tới khi Quốc hội bầu được tân thủ tướng”, tức ông Phạm Minh Chính vào hôm 5/4/2021. 

Liên quan vụ này, cộng đồng mạng cũng lan truyền một ảnh chụp văn bản cho thấy ông Trịnh Đình Dũng “ký thay Nguyễn Xuân Phúc”.

Quan ngại về hệ lụy của sân golf ở tỉnh nghèo

Báo điện tử Tiếng Dân đăng ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Huy: “Xu hướng của hạn hán ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ ngày càng khốc liệt bởi ngay cả trong thời kỳ La-Nina năm 2020 mà Tây Nguyên còn thiếu nước thì ở thời kỳ El-Nino nắng hạn sẽ khốc liệt thế nào?

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Nguyễn Xuân Phúc. Courtesy of NDH

Sân golf tiêu tốn nước để tưới cỏ và vận hành nhiều gấp ba lần so với cây nông nghiệp và cây công nghiệp với cùng diện tích. Vậy lấy nước ở đâu để vận hành sân golf? Tất nhiên là sẽ khoan sâu trong lòng đất để tìm nước. Người nông dân có thể không đủ sức để khoan sâu tìm nước, nhưng doanh nghiệp thì có thể khoan sâu bằng tiền. Khoan càng sâu, mạch nước ngầm càng tụt sâu. Như vậy nguồn tài nguyên nước ít ỏi trong vùng lẽ ra thuộc về người bản địa, nay lại ít hơn và sẽ không được chia công bằng.

Sân golf không những tiêu hao nguồn nước mà còn làm ô nhiễm nguồn nước. Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010, “một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm (cao gấp ba lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp). Trong đó, có các chất như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…”.

Sân golf và thú chơi golf vốn không dành cho người bản địa. Họ, những người phải nhường lại tài nguyên đất đai và nước sẽ được chiêm ngưỡng những bãi cỏ mướt xanh qua màn hình của tấm biển quảng cáo ven đường, qua khe hở của bức tường rào nơi cách biệt họ với thế giới bên trong – thế giới của giới thượng lưu trên trời rơi xuống.”

Cùng thời điểm, ông Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đặt câu hỏi: “Chúng ta đã làm được gì và làm như thế nào cho việc phát triển thể thao quốc phòng, và các môn thể thao đại chúng nâng cao sức khỏe toàn dân?

Tôi nghĩ: sân golf có thể có đóng góp nào đó cho sự phát triển kinh tế (chưa rõ về mặt thống kê), song nó phải bị đặt ở vị trí thứ yếu sau sự phát triển các môn thể thao quốc phòng và thể thao đại chúng.

Rất đáng tiếc là chúng ta có nhiều thông tin về đầu tư các sân golf hơn là các thông tin về đầu tư cho các môn thể thao đại chúng và các môn thể thao đóng góp trực tiếp cho quốc phòng và an ninh.

Chúng ta đã có chiến lược phát triển thể thao chưa? Chúng ta đã đầu tư cho thể thao đại chúng và thể thao quốc phòng những gì, trước hết là đất đai? Đừng để các dự án sân golf bị lợi dụng vì mục đích sử dụng đất đai khác!”

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn