Home Trung Quốc Bangladesh tặng cú sốc lớn cho Trung Quốc: Lộ diện quốc gia...

Bangladesh tặng cú sốc lớn cho Trung Quốc: Lộ diện quốc gia đứng sau lặng lẽ “giật dây”

Trung Quốc đã buộc phải rút khỏi một số dự án cơ sở hạ tầng Vành đai & Con đường ở Bangladesh. Ảnh: profilebd.blogspot.com
Nghe đọc bài

TOAN TÍNH ĐỔ BỂ

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang oằn mình đối phó với đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động hiếu chiến, chính sách bẫy nợ và ngoại giao chiến lang của mình.

Tuy nhiên, khi tình hình dần thay đổi, Trung Quốc bắt đầu gặp khó khăn trong việc bẫy nợ các nước khác. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã phải rút khỏi các dự án cơ sở hạ tầng Vành đai & Con đường ở Bangladesh sau khi Dhaka đánh giá lại các chương trình và điều chỉnh giảm chi phí.

Cụ thể, chính phủ Bangladesh đã cắt giảm chi phí đối với dự án đường sắt của nước này [được tài trợ trong khuôn khổ chương trình Vành đai & Con đường], khiến dự án bị chậm lại.

Nhận thấy toan tính “bẫy nợ” Dhaka không còn khả thi, Trung Quốc đã quyết định rút khỏi dự án.

Theo trang tin TFI, Bangladesh có thể đã thực hiện hành động này nhằm phá vỡ chiến thuật gây áp lực của Trung Quốc. Song, điều bất ngờ hơn cả là, dường như quốc gia đứng sau lặng lẽ “giật dây” để Bangladesh làm điều đó chính là Ấn Độ.

Văn phòng Thủ tướng ở Bangladesh đã ủng hộ việc giảm chi phí dự án đường sắt sau khi đánh giá lại nhiều dự án cơ sở hạ tầng công bố vào tháng 10 năm ngoái.

Chi phí ước tính 1.045 tỷ USD của tuyến đường sắt đôi Joydebpur-Ishwardi sẽ được cắt giảm 12,91%, trong khi ngân sách 1.272 tỷ USD dành cho tuyến đường sắt đôi Akhaura-Sylhet sẽ bị cắt giảm 20,8%. Tổng số tiền tiết kiệm được là gần 572 triệu USD.

Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách tuyên bố sẽ không hỗ trợ dự án đường sắt đôi Joydebpur-Ishwardi nữa, trong khi các nhà thầu cho dự án đường sắt đôi Akhaura-Sylhet từ chối tiếp tục công việc của họ.

SỨC MẠNH NGOẠI GIAO CỦA ẤN ĐỘ

Năm ngoái, chính phủ Bangladesh đã chính thức hủy bỏ dự án cảng nước sâu Sonadia – một động thái được xem là minh chứng cho sức mạnh ngoại giao của Ấn Độ đối với Dhaka.

Cảng Sonadia nằm trên vịnh Bangal được cho là sẽ tăng cường hơn nữa tham vọng kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. “Con rồng giấy” đã tỏ thái độ quan tâm tích cực tới việc xây dựng và tài trợ dự án.

Thay vì cảng Sonadia, Bangladesh đã đi trước một bước để phát triển cảng nước sâu tại Matarbari, cách Sonadia 25 km với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Dự kiến cảng này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025.

Cần lưu ý rằng, Nhật Bản và Ấn Độ đang có mối quan hệ gần gũi. Ủng hộ sự can dự của Nhật Bản vào Bangladesh, New Delhi cũng từ đó tăng cường sự can dự của mình vào quốc gia Nam Á này nhằm làm suy yếu sự hiện diện của Trung Quốc.

Bangladesh tặng cú sốc lớn cho Trung Quốc: Lộ diện quốc gia đứng sau lặng lẽ giật dây - Ảnh 2.

Ấn Độ đang tích cực hợp tác với Bangladesh để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chỉ vào tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Bangladesh và gặp người đồng cấp Sheikh Hasina. Trong chuyến thăm, ông Modi và bà Hasina đã cam kết sẽ đưa sự kết nối giữa hai nước lên cấp độ cao hơn, gọi là “Kết nối cho thịnh vượng”.

Cả hai phía nhất trí xúc tiến thực hiện thỏa thuận Phương tiện cơ giới BBIN [Bangladesh-Bhutan-Ấn Độ-Nepal] để tăng cường kết nối và đơn giản hóa khâu vận chuyển hàng hóa/hành khách giữa các quốc gia.

Ngoài ra, trong cuộc họp cấp phái đoàn giữa hai phía, ông Modi đã trao một vật đại diện cho Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina như biểu tượng cho món quà của Ấn Độ là 1,2 triệu liều vaccine COVID-19.

Ngay trong tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar đã gặp người đồng cấp Bangladesh A.K. Abdul Momen và thảo luận về vai trò của Nhật Bản với tư cách là nước thứ ba để thúc đẩy kết nối trong khu vực.

Trong tuyên bố chung giữa hai phía, ông Jaishankar nói: “Nếu chúng ta có thể kết nối giữa Ấn Độ và Bangladesh, tôi có thể nói rằng toàn bộ hệ thống hậu cần, địa-kinh tế trong khu vực sẽ thay đổi, vịnh Bengal sẽ trông rất khác”.

“Cả hai chúng tôi đều cho rằng, có thể sẽ có nhiều cuộc trao đổi giữa hai phía về chủ đề cụ thể này. Do đó, chúng tôi cảm thấy nên có cả sự tham gia của những quốc gia thứ ba như Nhật Bản, bởi cả hai nước đều có mối quan hệ tốt đẹp với Tokyo. Họ cũng tham gia vào các dự án kết nối ở vịnh Bengal. Tôi sẽ chọn sự kết nối này như một mục tiêu lớn” – Ông Jaishankar cho biết thêm.

Tất cả những cuộc thảo luận này giữa Ấn Độ và Bangladesh đồng nghĩa Dhaka đã nhận ra rằng việc phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự linh hoạt địa-chính trị của Bangladesh trong khu vực và xa hơn nữa, thậm chí có thể biến nước này trở thành “nước chư hầu” của Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc đưa ra quy định tài trợ là các nhà thầu của dự án phải được Trung Quốc lựa chọn, thay vì thông qua quy trình đấu thầu rộng rãi. Chính phủ Bangladesh sẽ trả các chi phí mua đất, di dời các hộ dân [nếu cần], tiền lương và tiền công cho công nhân. Chính phủ Trung Quốc sẽ trang trải chi phí xây dựng [ước tính chiếm từ 80-85% chi phí của toàn bộ dự án].

Khi một nhà thầu được lựa chọn mà không tổ chức đấu thầu cạnh tranh thì chi phí sẽ có xu hướng tăng lên. Ví dụ như dự án đường sắt đôi Joydebpur-Ishwardi, do một nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, sẽ có chi phí 7,2 triệu USD/km.

M. Humayun Kabir, chủ tịch Viện Doanh nghiệp Bangladesh và là một nhà ngoại giao nghề nghiệp, cho biết Bangladesh cần thận trọng trong việc vay vốn của Trung Quốc vì nhiều vấn đề vẫn chưa rõ ràng.

Ông nói, “Trung Quốc áp đặt điều kiện khác nhau cho các quốc gia khác nhau trong việc cấp các khoản vay và mong đợi mức lợi nhuận khác nhau”, ông Kabir nói thêm, “việc Trung Quốc rút tiền khỏi các dự án không có lý do địa chính trị mà tôi nghĩ là thiên về lý do kỹ thuật”.

Theo TFI, đây là một ví dụ điển hình về chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc. Thực tế là Bangladesh đã nhận ra điều đó và cảm thấy tự tin đối đầu tới mức Trung Quốc buộc phải từ bỏ mục đích của mình.

Exit mobile version