Azerbaijan và Armenia giao tranh dữ dội khi Mỹ tổ chức hòa đàm

Hôm 23/10, các bên tham chiến cáo buộc nhau pháo kích vào các khu dân cư. Armenia cho biết, thị trấn Martakert và một số ngôi làng trong vùng Martuni thuộc khu vực xung đột Nagorno-Karabakh đã bị trúng tên lửa của Azerbaijan trong đêm. Sau đó, Armenia cũng cho rằng, Martakert và Martuni bị chiến đầu cơ của Azerbaijan tấn công.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác tuyên bố, cáo buộc các lực lượng Armenia nhắm mục tiêu vào các vùng Terter, Agdam và Agjabedi của nước này trong đêm bằng pháo và tên lửa. Chính quyền Armenia phủ nhận điều này. Dù chưa có đường ống nào bị hư hại, song Azerbaijan bày tỏ lo ngại về an ninh của các đường ống gần nơi giao tranh được sử dụng để xuất khẩu dầu và khí đốt của nước này.
AP đưa tin, giữa những trận pháo kích không ngừng, nhiều cư dân đã tìm cách bảo vệ mình khỏi tên lửa và đạn pháo bằng cách di chuyển vào những tầng hầm tồi tàn. Một số gia đình, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ lớn tuổi, đã tìm thấy nơi ẩn náu trong tầng hầm của một trường học ở Stepanakert, thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh.
Giao tranh ác liệt giữa Azerbaijan và Armenia diễn ra trong bối cảnh ngoại trưởng hai nước đang có mặt tại Mỹ để tìm kiếm về giải pháp chấm dứt giao tranh quanh khu vực Nagorno-Karabakh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23/10 có cuộc gặp riêng người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov và Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanya.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc gặp này kéo dài khoảng 40. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Azerbaijan và Armenia, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước tham gia đàm phán.
 Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan cho biết, cuộc đàm phán diễn ra “rất tốt”, nói thêm rằng lệnh ngừng bắn giữa hai bên sẽ được tiếp tục.
 Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho hay, mọi việc “tiến triển tốt” song không nêu chi tiết và từ chối cho biết liệu ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của một trong hai nước hay chưa. “Chúng tôi đang làm việc với Armenia. Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Armenia … Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục.
 Đến nay, Nga đã thúc đẩy các nỗ lực hòa giải xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh. Thế nhưng, hai thỏa thuận ngừng bắn do Matxcơva làm trung gian trong tháng này đã không ngăn được giao tranh tiếp diễn giữa hai nước.
 Tình hình ở Nagorno-Karabakh leo thang từ ngày 27/9. Armenia và Azerbaijan liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Các trận chiến giữa hai bên đang diễn ra trên lãnh thổ tranh chấp.
 Armenia cho biết, 927 binh sĩ và hơn 30 dân thường của nước này đã thiệt mạng. Trong khi đó, Azerbaijan không tiết lộ tổn thất quân sự của mình, nhưng cho biết 63 dân thường đã thiệt mạng và 292 người bị thương.
 Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một thảm họa nhân đạo, đặc biệt xung đột này kéo theo sự can dự ngày càng sâu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
 Tình hình phức tạp hơn khi Baku được sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO). Về phần Armenia, quốc gia này là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước về an ninh tập thể (CSTO).
Theo Kiến thức