Australia lý giải hủy thỏa thuận Vành đai và Con đường

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dutton lo ngại các thỏa thuận trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc được dùng nhằm mục đích “tuyên truyền”.

“Chúng tôi không thể phê duyệt những loại thỏa thuận như này vì chúng được sử dụng cho những lý do tuyên truyền và chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton nói với đài phát thanh địa phương hôm 22/4, đề cập tới thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) giữa các chính quyền địa phương và Bắc Kinh.

Tuyên bố của Dutton được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Australia Marise Payne tuyên bố rằng chính phủ sẽ phủ quyết quyết định của chính quyền bang Victoria về việc tham gia BRI, mạng lưới cơ sở hạ tầng lớn mà giới chuyên gia cho là được Bắc Kinh sử dụng để tạo ra đòn bẩy tài chính và địa chính trị.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia hôm nay ra tuyên bố chỉ trích quyết định của Canberra là “phi lý và khiêu khích”, đồng thời cảnh báo nó sẽ chỉ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương cũng như gây hại cho chính Australia.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết ông sẽ “rất thất vọng” nếu Trung Quốc trả đũa quyết định hủy thỏa thuận tham gia BRI của nước này, song cũng cảnh báo Canberra “sẽ không bị ai bắt nạt”.

“Chúng tôi sẽ bảo vệ những điều chúng tôi tin tưởng và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm”, Dutton nhấn mạnh.

Australia năm ngoái ban hành luật mới, cho phép chính phủ hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào giữa chính quyền bang với nước ngoài được cho là đe dọa lợi ích quốc gia. Nhiều chuyên gia nhận định bộ luật mới này được dùng để nhắm tới Trung Quốc và Canberra dường như cũng đang nhắm tới các Viện Khổng Tử của Trung Quốc trong các trường đại học.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đang xấu đi, khi hai chính phủ đang căng thẳng về thương mại và cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Canberra đã thực hiện một loạt động thái để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này, bao gồm cấm Huawei xây dựng mạng 5G và thắt chặt luật đầu tư nước ngoài đối với các tập đoàn.

Australia cũng bất đồng với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, Hong Kong và từng liên tục kêu gọi mở điều tra về nguồn gốc Covid-19. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp thuế với loạt sản phẩm Australia, gồm rượu vang, lúa mạch và than đá. Nhiều người coi đây là động thái trừng phạt của Bắc Kinh trước một lập trường ngày càng quyết đoán của Canberra.

Ngọc Ánh (Theo AFP)