Ảnh vệ tinh “lộ” cơ sở bí mật nghi cất giấu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ không gian Maxar Technologies chụp hôm 11/2 và được các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury phân tích cho thấy, Triều Tiên đã xây dựng các cấu trúc mới tại khu vực Yongdoktong trong suốt năm 2020.

Các nhà phân tích tin rằng cơ sở trên dùng để che giấu hai lối vào đường hầm ngầm dẫn đến nơi cất giấu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

“Những hình ảnh do Maxar cung cấp cho thấy hai lối dẫn vào đường hầm hồi tháng 12/2019, và một cấu trúc giống tòa nhà mới xây dựng được nhìn thấy vào tháng 2/2021”, Jeffrey Lewis, giáo sư tại Viện Middlebury, cho biết.

Tình báo Mỹ từng xác định Yongdoktong là cơ sở nghi chứa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Một quan chức tình báo Mỹ nói rằng cho đến nay, cơ sở này vẫn được sử dụng cho mục đích đó.

Những hình ảnh vệ tinh mới được công bố đã củng cố thêm nhận định của giới chuyên gia và quan chức an ninh quốc gia Mỹ từ nhiều năm nay rằng: Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển mạnh vũ khí hạt nhân tại các cơ sở trên khắp cả nước, đồng thời có những bước đi xa hơn nhằm che giấu kho vũ khí hạt nhân đã tích lũy được.

Hoạt động xây dựng gần đây của Triều Tiên chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan tình báo Mỹ, trong bối cảnh Washington vẫn đang theo dõi chặt chẽ các cơ sở nghi nằm trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Các nhà lập pháp và đồng minh quan trọng của Mỹ vẫn đang chờ đợi thông tin chi tiết về chính sách của Tổng thống Joe Biden với Triều Tiên. Chính sách này dự kiến sẽ được công bố trong những tuần tới, sau khi đội ngũ của tân tổng thống hoàn tất quá trình rà soát chính sách.

Triều Tiên bị nghi sản xuất vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi ngày 2/3 phát biểu tại cuộc họp của IAEA rằng, có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tìm cách “thu hoạch” plutonium để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Theo ông Grossi, có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang vận hành một nhà máy cung cấp nhiệt cho cơ sở xử lý hạt nhân tại Yongbyon, phía bắc Bình Nhưỡng.

Liên quan tới chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên, ông Grossi cho biết hiện chưa có dấu hiệu của hoạt động sản xuất tại cơ sở chính Yongbyon, nhưng có dấu hiệu hoạt động tại một cơ sở hạt nhân khác ở Kangsong, ngoại ô Bình Nhưỡng.

“Có nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy hoạt động tại nhà máy hơi nước phục vụ cho phòng thí nghiệm hóa phóng xạ”, giám đốc IAEA nhận định.

Tuyên bố của ông Grossi làm dấy lên phỏng đoán rằng Triều Tiên có thể tiến hành các hoạt động liên quan tới sản xuất vật liệu phân hạch, vì phòng thí nghiệm trên được cho là cơ sở sản xuất plutonium quan trọng. Để chế tạo một quả bom hạt nhân cần khoảng 6 kg plutonium.

Ông Grossi nhấn mạnh hoạt động hạt nhân của Triều Tiên vẫn là mối lo ngại “nghiêm trọng” và việc Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân là “vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Theo Dân trí