Anh có thể cấp thị thực cho hàng triệu người Hong Kong

Trong thông điệp trực tiếp đầu tiên gửi tới Hong Kong giữa lúc đặc khu hành chính này đang “dậy sóng” vì dự luật an ninh mới của Trung Quốc, Thủ tướng Boris Johnson cho biết trong bài viết được đăng trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng và The Times hôm 3/6 rằng, “nhiều người tại Hong Kong lo sợ đường sống của họ bị đe dọa” sau khi quốc hội Trung Quốc đề xuất dự luật hồi tháng trước.

Thủ tướng Johnson cảnh báo nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục khiến người Hong Kong cảm thấy sợ hãi, Anh sẽ không thể quay lưng. Thay vào đó, Anh sẽ “thực hiện các nghĩa vụ của mình và đưa ra một giải pháp thay thế”.

“Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc củng cố mối quan hệ lịch sử sâu sắc và tình hữu nghị của chúng tôi với người dân Hong Kong”, ông Johnson cho biết.

Theo kế hoạch của chính phủ Anh, dự kiến sẽ được thực hiện khi Trung Quốc chính thức thông qua dự luật an ninh, bất kỳ ai trong số 3 triệu người Hong Kong đủ tiêu chuẩn giữ hộ chiếu quốc gia quốc gia Anh ở hải ngoại và những người phụ thuộc của họ có thể chuyển đến Anh sinh sống, làm việc hoặc học tập trong thời hạn kéo dài 12 tháng, từ đó mở đường để nhập quốc tịch Anh.

“Điều này sẽ dẫn đến một trong những thay đổi lớn nhất trong hệ thống thị thực trong lịch sử Anh. Nếu điều đó được chứng minh là cần thiết, chính phủ Anh sẵn sàng thực hiện bước đi này”, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

Khoảng 350.000 người Hong Kong hiện có hộ chiếu hải ngoại Anh. Người có hộ chiếu này được phép vào Anh 6 tháng miễn thị thực và một khi đã có mặt ở Anh, họ có thể đăng ký để có được quyền định cư vĩnh viễn. Khoảng 2,5 triệu người khác tại Hong Kong đủ điều kiện để nộp đơn xin cấp hộ chiếu này.

Sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua dự thảo luật an ninh mới tuần trước, bản dự thảo đầy đủ dự kiến được công bố trong tháng này. Dự luật nhằm ngăn chặn và trừng phạt các hành vi chia rẽ, lật đổ, khủng bố và can thiệp từ bên ngoài xảy ra tại Hong Kong.

Theo Thủ tướng Johnson, động thái của Trung Quốc không giúp ích cho sự thành công của Hong Kong và không tương xứng với vai trò ngày càng quan trọng của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế.

“Hong Kong thành công vì người dân được tự do. Họ có thể theo đuổi giấc mơ và tiến lên nhiều nấc thang nhất có thể theo năng lực của họ. Tuy nhiên, luật mới sẽ lấy đi quyền tự do và làm xói mòn đáng kể quyền tự trị của họ”, ông Johnson nói thêm.

Thủ tướng Johnson cũng chỉ trích “các cáo buộc giả mạo” của Bắc Kinh, như nói rằng Anh “tổ chức các cuộc biểu tình” tại Hong Kong hay tìm cách gây nghi ngờ về Tuyên bố chung Anh – Trung. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Anh vẫn tìm cách chuyển thông điệp trấn an Trung Quốc.

“Anh không tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngược lại chúng tôi vẫn sẽ sát cánh trong mọi vấn đề mà chúng tôi có chung lợi ích, từ thương mại tới biến đổi khí hậu”, ông Johnson cho biết thêm.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 2/6 cũng phát biểu trước quốc hội rằng, Anh đang thảo luận về việc “chia sẻ gánh nặng” với Mỹ, Australia, Canada và New Zealand nhằm giải quyết vấn đề di dân của người Hong Kong.

Phát biểu của ông Raab được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington sẽ cân nhắc các biện pháp để chào đón người Hong Kong, sau khi Bắc Kinh chính thức thực thi luật an ninh mới.

Ngoại trưởng Anh cũng kêu gọi Trung Quốc “lùi lại bờ vực thẳm” liên quan tới việc thông qua luật an ninh mới tại Hong Kong.

“Vẫn còn thời gian để Trung Quốc xem xét lại. Còn thời gian để Trung Quốc lùi lại từ bờ vực thẳm, tôn trọng quyền tự trị của Hong Kong và tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của chính Trung Quốc”, ông Raab cho biết.

Ngoại trưởng Anh cho rằng dự luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” nêu trong Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984. Ông Raab tuyên bố Anh không thể ép buộc Trung Quốc, nhưng sẽ tìm cách thuyết phục Bắc Kinh thay đổi quyết định.

Theo Dân trí