Ăn trái cây kiểu này để tăng sức đề kháng trong mùa dịch, nam thanh niên nhập viện cấp cứu

Vào khoảng 1h sáng cách đây vài ngày, Bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu đã tiếp nhận một nam thanh niên 25 tuổi, nhập viện trong tình trạng thở dốc, buồn nôn kèm theo tức ngực, nhịp tim là 120. Sau khi xe cứu thương dừng lại trước cửa khoa cấp cứu, bác sĩ trực ban Hạ Hiểu Húc đã tiếp nhận bệnh nhân và ngay lập tức cho anh ta thở oxy, theo dõi ECG (điện tim) rồi đưa đến phòng cấp cứu.

Sau khi kiểm tra và hội chẩn, các bác sĩ loại trừ khả năng nam bệnh nhân này bị viêm phổi do COVID-19, nhưng để chắc chắn vẫn cần phải kiểm tra thêm. Nằm trên giường bệnh, chàng trai nói một cách yếu ớt: “Chiều nay tôi bắt đầu buồn nôn, nôn khoảng 3-4 lần, cảm thấy tức ngực khó thở và cơ thể không còn chút sức lực nào. Tôi liên tục thấy khát nước, nghỉ ngơi nửa ngày nhưng cũng không cảm thấy khá hơn”.

Các bác sĩ cho biết triệu chứng tức ngực, tim đập nhanh, miệng khô, buồn nôn và nôn là triệu chứng của bệnh nhiễm toan ceton, thường xuất hiện ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi được hỏi liệu chàng trai này có bị bệnh tiểu đường không, bác sĩ Hứa ngay lập tức hỏi y tá: “Chỉ số đường huyết là bao nhiêu?”. Kết quả chỉ số đường huyết của nam bệnh nhân là 30.9.

Trong trường hợp bình thường, chỉ số đường huyết lúc đói thường dao động từ 3.9 – 6.0, và thường dưới 7.8 sau khi ăn 2 giờ. Tuy nhiên, lượng đường trong máu của nam bệnh nhân trẻ tuổi đã vượt quá tiêu chuẩn gấp 4 lần.

Ngay lập tức, bác sĩ Hứa cùng ý tá bắt đầu lấy máu động mạch và tiến hành điều trị cho chàng trai theo triệu chứng. Vài phút sau, kết quả xét nghiệm hoàn toàn khớp với chẩn đoán ban đầu của bác sĩ: bệnh nhân nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Các nhân viên y tế sau đó đã điều trị cho chàng trai theo phương pháp bổ sung nước, chất điện giải và tiêm insulin. Sang ngày hôm sau, lượng đường trong máu chàng trai đã được kiểm soát trong phạm vi bình thường, các triệu chứng thuyên giảm đáng kể. Lúc này, chàng trai được chuyển sang khoa nội tiết để tiếp tục điều trị.

Sau khi thăm hỏi lịch sử y tế, các bác sĩ cho biết chàng trai này là một nhân viên doanh nghiệp. Vì đang trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 nên công ty của anh phải tạm đóng cửa. Chàng trai thường ở trong nhà và rất ít khi ra ngoài.

Do rất thích ăn trái cây nên khi ở nhà buồn chán chẳng có việc gì làm, anh đã vừa ăn trái cây vừa xem phim. Mỗi ngày anh có thể ăn đến 1-1,5kg trái cây và ăn liên tục trong vòng 1 tháng để bổ sung chất dinh dưỡng cũng như tăng sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus trong mùa dịch.

Nên ăn bao nhiêu trái cây mỗi ngày để tốt cho sức khỏe?

Tuy vào từng loại trái cây mà thành phần chất dinh dưỡng trong chúng sẽ khác nhau, nhưng trái cây thường có xu hướng nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Vì vậy mà trái cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh, làm chậm quá trình lão hóa.

Mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng trái cây chỉ thực sự tốt cho cơ thể nếu chúng được tiêu thụ ở lượng lý tưởng, cân bằng với các loại thực phẩm khác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng trái cây và rau quả trong ngày ít nhất là 400g hoặc 5 khẩu phần 80g. Mỗi phần 80g tương đương với một miếng nhỏ có kích thước bằng một quả bóng tennis.

Ăn trái cây vào lúc nào là tốt nhất?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới, có 4 thời điểm “vàng” để ăn trái cây và vào mỗi thời điểm lại có những loại quả tương ứng khác nhau. Cụ thể:

– Ăn vào buổi sáng khi dạ dày rỗng cùng với 1 cốc nước lọc. Những loại trái cây nên ăn vào thời điểm này là dứa, dưa hấu, chuối, nho, quả mọng, lê, xoài, đu đủ và táo.

– Ăn trái cây giữa các bữa ăn trong ngày: Quả thuộc họ cam quýt, quả mọng, dưa hấu, dứa, lựu, táo và xoài.

– Ăn trước và sau khi tập luyện: Các loại trái cây có nhiều chất xơ và đường tự nhiên như chuối, xoài, nho, cam quýt, trái cây, dứa, lựu và lê.

– Ăn trước bữa tối: Dứa và táo.

Theo Sức khỏe