Ai ngồi vào ghế chủ tịch nước thì cũng chỉ là ‘diễn viên’

Nghe đọc bài

“Chủ tịch nước chỉ giống như một diễn viên đọc lời thoại của mình trong một vở kịch do người khác viết. Không có chỗ cho chủ tịch nước Việt Nam được làm việc tự do và thúc đẩy các sáng kiến mà chưa được Bộ Chính trị thông qua,” nhà quan sát cho hay.

Ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston, cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là đối với các nước lớn như Mỹ – Trung sẽ không có gì thay đổi trong thời gian tới:

“Mặc dù Bộ Chính Trị đã mất đi hai thành viên, chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không có thay đổi.”

Ông lý giải, An ninh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc do Trung Quốc là nước lớn và là láng giềng vĩnh cửu. Do vậy, Việt Nam luôn ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và bất kỳ thay đổi lớn nào trong quan hệ Việt-Mỹ đều có yếu tố Trung Quốc:

“Điều này không phải vì các nhà lãnh đạo Việt Nam ưu tiên ý thức hệ hơn quyền lợi quốc gia. Hơn ai hết bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng mong muốn đất nước mình không sa vào một cuộc chiến có thể tránh được. Do đó duy trì cũng như ưu tiên quan hệ Việt-Trung luôn là ưu tiên số một của ngoại giao Việt Nam.”

Nguyễn Xuân Phúc dù vừa mất ghế vẫn phải cười khi gặp Nguyễn Phú Trọng cho tròn vai

Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng, những cái tên sáng giá thay thế chức chủ tịch nước từ ông Phúc có thể là Bộ trưởng Công an Tô Lâm hay Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hay có thể là Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Họ đều là những nhân vật tương đối xa lạ trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đại diện cho đất nước trong quan hệ với các quốc gia khác. Các cuộc họp ở cấp nguyên thủ quốc gia sẽ được lên kế hoạch chặt chẽ, với các tuyên bố chung đã được thông qua trước đó, bởi bộ máy hành chính.

Do đó, theo giáo sư người Úc, dù cho ai ngồi vào ghế chủ tịch nước thì họ cũng chỉ là những diễn viên, phải diễn theo kịch bản đã được sắp đặt sẵn của Bộ Chính trị mà thôi:

“Chủ tịch nước chỉ giống như một diễn viên đọc lời thoại của mình trong một vở kịch do người khác viết. Không có chỗ cho chủ tịch nước Việt Nam được làm việc tự do và thúc đẩy các sáng kiến mà chưa được Bộ Chính trị thông qua.”

Giáo sư Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, khi trả lời hãng tin AFP, đánh giá rằng sự thay đổi mạnh mẽ về nhân sự lãnh đạo thượng tầng cũng đặt Việt Nam vào tình thế rủi ro. Bởi vì hiện nay, quốc gia độc đảng này chỉ còn lại rất ít người nắm giữ các vị trí quyền lực cấp cao có kinh nghiệm và năng lực trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Hoa Kỳ và Châu Âu.

(Theo RFA)