Ai đã âm thầm chi tiền khi chứng khoán Việt bị bán tháo?

Nghe đọc bài

Mặc dù có những nỗ lực nhất định trong phiên chiều 29/7 tuy nhiên các chỉ số vẫn ghi nhận mức giảm sâu. VN-Index mất 22,52 điểm tương ứng 2,77% còn 790,84 điểm, một lần nữa đánh mất mốc 800 điểm.

HNX-Index đánh rơi thêm 1,12 điểm tương ứng 1,04% còn 106,85 điểm và UPCoM-Index mất 1,11 điểm tương ứng 2,01% còn 54,17 điểm.

Thanh khoản khá tốt song không có sự đột phá lớn, với khối lượng giao dịch đạt 362,09 triệu cổ phiếu tương ứng 5.463,96 tỷ đồng trên HSX và 52,67 triệu cổ phiếu tương ứng 482,03 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 19,59 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 231,65 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ. Số lượng mã giảm vẫn còn tới 567 mã với 73 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 166 mã tăng, 35 mã tăng trần.

Rổ VN30 có 1 mã tăng trần là cổ phiếu EIB của Eximbank (tăng 1.150 đồng lên 17.650 đồng) nhưng 29 mã còn lại đều giảm, trong đó ROS vẫn giảm sàn. Tình trạng này khiến chỉ số VN30-Index đánh mất 21,01 điểm tương ứng 2,78% còn 735,16 điểm.

Một số mã ghi nhận mức giảm sâu là GAS giảm 6,3%; VRE giảm 6,1%; SBT giảm 5,7%; CTD giảm 5,6%; SAB giảm 5%; PLX giảm 4,7%. Một loạt cổ phiếu vốn hoá lớn khác như VNM cũng giảm mạnh 3,5%; BID giảm 2,4%; VHM giảm 2,4%; MSN giảm 2,3%; VIC giảm 2%; VCB giảm 1,3%.

Theo đó, GAS là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chính VN-Index, lấy đi của chỉ số này tới 2,34 điểm. 10 mã giảm giá có tác động xấu nhất kéo sụt VN-Index tới 14,1 điểm.

Chiều ngược lại, mặc dù đạt trạng thái tăng trần như EIB, APH, SZC, DAT, VIS không ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng thị trường. Ngoài ra, một số mã cũng ghi nhận trạng thái tăng giá tích cực là HNG, CII, DHG, PGD và SHP.

Cổ phiếu EIB tăng trần bất chấp Eximbank lần thứ hai tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên bất thành do không đủ số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Theo số liệu công bố bên lề phiên họp này thì Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm 2020 là 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019 nhưng trong 6 tháng đầu năm mới đạt 555 tỷ đồng.

Trở lại với thị trường chứng khoán, điểm đáng chú ý trong phiên này đó là động thái mua ròng của khối nhà đầu tư ngoại. Khối này đã mua ròng 303,95 tỷ đồng trên HSX và 1,31 tỷ đồng trên HNX.  Đây là phiên thứ 4 liên tiếp khối ngoại mua ròng cổ phiếu bất chấp thị trường giảm sâu.

Ai đã âm thầm chi tiền khi chứng khoán Việt bị bán tháo? - 2
Diễn biến giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên HSX

Riêng trong phiên này, dòng tiền ngoại tập trung tại KDC với giá trị mua ròng lên tới 106,3 tỷ đồng. Ngoài ra, VCB, VIC, KBC cũng là những mã đang được khối ngoại ưa thích. Ngược lại, HPG lại bị bán ròng 33,7 tỷ đồng, SSI, HCM, NLG cũng nằm trong danh sách bán ròng của nhà đầu tư ngoại.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, với tín hiệu hồi phục về cuối phiên 29/7, thị trường có thể xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong nửa đầu phiên kế tiếp.

Theo BVSC, diễn biến và tình hình kiểm soát Covid-19 cùng với thông tin kết quả kinh doanh quý II sẽ là các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead… có thể khiến cho thị trường và các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số trên có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.