5 năm tù cho tài xế chở nhóm mật vụ CSVN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Vụ bắt cóc “kiểu” thời Chiến Tranh Lạnh từng gây khủng hoảng cho quan hệ song phương giữa Đức với Việt Nam. Toàn bộ vụ này rất ly kỳ, đầy bí ẩn, kéo dài trong nhiều năm, chưa có hồi kết thúc, mà nhiều người nghi ngờ có sự can dự của an ninh CSVN.

Năm 2017, mật vụ công an Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC), và nhân tình, một nữ cán bộ thuộc Bộ Công Thương CSVN, ngay giữa thủ đô Berlin, Đức.

Tòa kháng án tại Berlin vừa mới đưa ra phán quyết xử phạt bị cáo Lê Anh Tú, một người tham gia hỗ trợ trong vụ bắt cóc, 5 năm tù, theo báo mạng NewsinGermany.com.

Bị cáo Lê Anh Tú, 26 tuổi vào thời điểm gây án, lái xe từ Prague, thủ đô Cộng Hoà Czech, sang Berlin tham gia vụ bắt cóc.

Tòa tin rằng bị cáo Tú là một nhân viên mật vụ chìm của Việt Nam có vai trò trong vụ tước đoạt quyền tự do của một người đang xin quyền tị nạn tại Đức.

Vụ bắt cóc tạo nên sự căng thẳng cho quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam cho đến tận hôm nay.

Theo tòa án, mật vụ Việt Nam muốn che đậy sự tham gia của các nhà ngoại giao trong vụ bắt cóc bằng cách tuyển dụng những người đàn ông, giống như bị cáo Tú, không phải là nhân viên mật vụ.

Trong hầu hết các giai đoạn của vụ bắt cóc, không có xe ngoại giao và không có nhà ngoại giao nào của Việt Nam lưu trú tại châu Âu.

Bị cáo lái chiếc xe được thuê riêng cho đương sự.

Luật sư bào chữa yêu cầu được tha bổng vì cho rằng bị cáo không cố ý được tuyển dụng cho một vụ bắt cóc, mà chỉ đơn giản là nghĩ rằng được thuê làm công việc lái xe.

Theo tòa án, để chứng minh khả năng làm việc tạo sự tin cậy, các nhân viên “ngoài luồng” cũng đều tham gia vào việc lên kế hoạch bắt cóc.

Điều này cũng được chứng minh qua nhiều cuộc điện thoại mà bị can Tú đã gọi thực hiện với giới chức tình báo cấp cao của Việt Nam trong vụ bắt cóc.

Sau khi bắt cóc các nạn nhân, tòa tin rằng chính bị cáo Tú lái chiếc xe chở ông Thanh và bạn gái đào tẩu cùng với các mật vụ của Việt Nam.

Sau đó, bị cáo chở nạn nhân và một phần của nhóm bắt cóc đến Bratislava, nơi họ được đưa lên máy bay đào thoát.

Trong phiên xử, ông Ralf Fischer, vị chánh án chủ toạ tuyên bố: “Tòa xem xét việc kết tội bị cáo không chỉ hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước quyền tự do mà cũng là hành vi tước quyền tự do. Số lượng các hoạt động của bị cáo trong quá trình làm gián điệp, bắt cóc và vận chuyển nạn nhân nói lên điều đó. Hình phạt sẽ nặng hơn.”

Nhưng cuối cùng tòa bác bỏ ý kiến này vì bị cáo giữ vị trí cấp dưới trong hệ thống phân cấp tổ chức vụ bắt cóc.

Việt Nam truy nã ông Trịnh Xuân Thanh từ năm 2016 về tội kinh tế.

Sự buộc tội dường như mang động cơ chính trị đó là phe cải cách kinh tế, trong đó có Trịnh Xuân Thanh, đã thua sau tại một đại hội 12 của đảng Cộng Sản; nhiều thành viên của nhóm cải cách sau đó đã bị thanh trừng.

Ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn sang Đức đang khi bị quản thúc tại gia vào Tháng Tám năm 2016. Tại Đức, ông Thanh nộp đơn xin tị nạn.

Việt Nam yêu cầu dẫn độ ông Thanh, nhưng vì yêu cầu dẫn độ không hợp pháp cũng như không được thẩm phán ký nên chính phủ Đức đã không tuân thủ.

“Chậm nhất là đến đầu Tháng Bảy năm 2017,” Chánh Án Ralf Fischer cho biết “Ông Tô Lâm, bộ trưởng công an Việt Nam, quyết định sang Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.”

Vụ bắt cóc “kiểu” thời Chiến Tranh Lạnh từng gây khủng hoảng cho quan hệ song phương giữa Đức với Việt Nam.

Một năm sau sự kiện chấn động đó, một người đàn ông Việt Nam khác, được xác nhận tên là Long NH, bị tòa án ở Berlin kết tội tham gia âm mưu bắt cóc ông Thanh và bị kết án 46 tháng tù.

Toàn bộ vụ này rất ly kỳ, đầy bí ẩn, kéo dài trong nhiều năm, chưa có hồi kết thúc, mà nhiều người nghi ngờ có sự can dự của an ninh CSVN.

Hôm 3 Tháng Tám, 2018, tờ báo Taz, một cơ quan truyền thông độc lập của Đức, lần đầu tiên đăng bài báo bằng tiếng Việt cập nhật vụ bắt cóc ông Thanh.

Điều đáng chú ý nhất là bài báo này nêu đích danh ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, lúc đó là thượng tướng, là “thủ phạm vụ bắt cóc ông Thanh, với sự tiếp tay của bộ trưởng Bộ Nội Vụ Slovakia.”

Bài báo có tựa đề “Trịnh Xuân Thanh – Lời Chào Thân Ái Từ Hà Nội” viết rằng: “Vào Thứ Tư sau hôm xảy ra vụ bắt cóc, ở khách sạn Borik có một buổi tụ họp ly kỳ. Chủ nhà là bộ trưởng Bộ Nội Vụ Slovakia hồi đó, ông Robert Kalinak. Bốn khách Việt Nam có mặt, trong đó có Tướng Hưng [Trung Tướng Đường Minh Hưng, tổng cục phó Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An] – người được cho là giữ vai trò điều phối vụ bắt cóc tại Berlin, và một vị tướng hai sao khác của Bộ Công An. Người dẫn đầu phái đoàn là ông Tô Lâm.”

“[Sau cuộc họp], có chiếc phi cơ A319 chờ họ tại cửa VIP của sân bay để đi về Moscow, Nga. Lúc 2 giờ 46 phút chiều, chuyến bay SSG004 cất cánh, có 12 hành khách ngồi trong phi cơ, tất cả đều mang hộ chiếu ngoại giao. Các nhà điều tra tin chắc rằng, một nguời trong đó là ông Thanh, người bị bắt cóc. Tất nhiên là ông ấy không được mang tên thật của mình,” báo Đức viết.

(Theo Người Việt)