4 bí quyết gọi sữa về tràn trề, mẹ tha hồ cho trẻ bú no nê

1.      Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng không những giúp mẹ tươi tỉnh, khoẻ khoắn có sức chăm sóc “cục cưng” mà còn giúp gọi sữa về ồ ạt nữa đó. Theo đó, các chuyên gia cho biết, mẹ cho con bú cần thêm 500 calo mỗi ngày so với nhu cầu năng lượng bình thường. Vì vậy, nếu lúc chưa có con mẹ thuộc tuýp những cô gái “mình dây”, kiêng khem đủ thứ thì bây giờ phải phải chịu khó nạp thêm năng lượng để có thể đủ sữa cho con. Cụ thể mẹ có thể tính như sau:  100g thịt bò bít-tết có khoảng 190 calo, một ly sữa dành cho bà mẹ sữa có khoảng 150 calo, 1 quả trứng có khoảng 70 calo. Để bổ sung thêm năng lượng, ngoài 3 bữa ăn chính mẹ sữa có thể ăn thêm 2 bữa phụ bằng bánh ngọt, chè đậu, trứng luộc, sữa…

4 bi quyet goi sua ve tran tre, me tha ho cho tre bu no ne

Để sữa về tràn trề, mẹ đừng kiêng khem mà hãy ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhé.

Song song đó, mẹ cũng nên bổ sung chất đạm nhiều hơn bình thường, bởi thiếu đạm đồng nghĩa với thiếu sữa. Theo đó, mẹ có thể ăn tất cả các món ăn thông thường để đảm bảo lượng đạm cần thiết như: cá chiên, thịt luộc, thịt nướng, thịt ram, thịt xào… Chỉ cần kiêng thịt tái, cá sống, nem chua… Vì các loại thực phẩm này thường chưa chín kỹ nên có thể chứa một lượng vi khuẩn nhất định, dễ gây ra rối loạn tiêu hóa ở cả mẹ và trẻ.

2.      Uống nhiều nước 

Để tránh bị khô cạn nguồn sữa quý giá, mẹ nên uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày. Nếu hay quên, mẹ có thể để nước uống ở nhiều nơi dễ nhìn thấy trong nhà và cứ rảnh là uống ngay thay vì đợi khát mới uống. Mẹ cũng có thể dùng nước ép hoặc ăn các loại trái cây mọng nước như táo, cam, dưa hấu để thay đổi hương vị và bổ sung thêm các loại vitamin cho nguồn sữa mẹ.

3.      Tích cực cho trẻ bú nhiều lần

Cho trẻ bú nhiều lần cũng là một trong những cách hiệu quả giúp mẹ gọi sữa về tràn trề. Và rồi, sau mỗi lần cho con bú, mẹ nên chịu khó vắt hết sữa còn lại trong 2 bầu ngực ra, đều đặn mỗi 3-4 giờ một lần.

Nhiều thử nghiệm khoa học đã cho thấy, mặc dù mẹ cảm thấy con đã bú cạn, nhưng thực tế vẫn còn ít nhất 100ml sữa tồn đọng trong bầu ngực mẹ mỗi ngày. Những chất ức chế bài tiết trong lượng sữa thừa này có thể “khóa” chặt các tế bào tiết sữa và làm giảm bài tiết sữa. Tuy nhiên, nếu mẹ vắt cạn sữa ra ngoài thì các tế bào tiết sữa sẽ lại làm việc hết công suất.

4.      Thường xuyên massage bầu ngực bằng nước ấm

Việc mẹ massage bầu ngực ấm sẽ tác động trực tiếp giúp ống dẫn sữa giãn nở, từ đó giúp sữa chảy ra nhiều và nhanh hơn. Theo đó, mẹ có thể thực hiện như sau:

Chuẩn bị một chậu nước ấm và một chiếc khăn mềm. Nhúng khăn vào nước, áp lên ngực sau đó massage nhẹ nhàng theo chiều kim đồng đồng hồ. Với cách này, mỗi ngày mẹ có thể thực hiện mỗi ngày 2 lần và ít nhất 10 phút. Cuối cùng, hãy uống một cốc nước hoặc sữa ấm, mẹ sẽ cảm nhận được sự thay đổi của việc tiết sữa như thế nào.

Ngoài 4 bí quyết kể trên, mẹ đừng quên luôn giữ tinh thần lúc nào cũng phải vui vẻ, lạc quan và tin tưởng vào khả năng tiết sữa của mình. Nhiều mẹ lo sợ không đủ khả năng tiết sữa để nuôi con, khiến cơ thể sẽ giải phóng một số lượng lớn hormone cortisol. Mà đây chính là loại hormone có thể làm chậm dòng chảy của sữa mẹ. Trong trường hợp cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mẹ có thể thực 4 cách sau:

Mẹ hãy luôn để tâm trí thư giản, không căng thẳng và tin vào khả năng tiết sữa của mình.

  • Chia sẻ chuyện nuôi con với bố, với người thân để nhận được sự đồng điệu và thông cảm. Ngoài ra, mẹ có thể tham gia vào các hội nhóm nuôi con để tâm sự, học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ khác.
  • Thi thoảng đi dạo tạo cảm giác thư thái, dành một vài phút cho riêng cho bản thân kết hợp với hít thở sâu chậm rãi.
  • Tập trung vào việc hít vào và thở ra có thể giúp bạn bình tĩnh hơn. Tập thể dục có thể làm giảm căng thẳng và nó cũng giải phóng endorphin – một loại hormone tự nhiên có tác dụng làm giảm căng thẳng và khiến mẹ cảm thấy yêu đời và bớt lo lắng hơn.
  • Trong trường hợp căng thẳng kéo dài, mẹ có thể nhờ đến bác sĩ để tư vấn thêm, mẹ nhé.

Mẹ có thấy 4 bí quyết gọi sữa về kể trên dễ thực hiện không nào? Vậy hãy thực hiện ngay để đáp ứng được nguồn sữa cho con mẹ nhé!

Theo Sức khỏe